.

Đưa pháo về chiến trường Điện Biên

.

Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, pháo binh Việt Nam đã góp phần vô cùng quan trọng vào chiến công vang dội đánh thắng thực dân Pháp của quân và dân ta cách đây vừa tròn 60 năm.

Ông Xương đang xem lại những hình ảnh, hiện vật tư liệu về chiến trường Điện Biên năm xưa.      Ảnh: VĂN CA
Ông Xương đang xem lại những hình ảnh, hiện vật tư liệu về chiến trường Điện Biên năm xưa. Ảnh: VĂN CA

Là chiến sĩ pháo binh có mặt trong chiến dịch, ông Đinh Tiến Xương bồi hồi nhớ lại những ngày gia nhập đơn vị pháo và vận chuyển thành công những khẩu pháo đầu tiên từ Trung Quốc về Việt Nam để tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Sinh ra ở quê hương Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định), năm 1950, ông Đinh Tiến Xương được cử ra Bắc học tập, công tác và trở thành chiến sĩ của trung đoàn pháo binh đầu tiên của Việt Nam - Trung đoàn 45 - tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến bây giờ, 60 năm trôi qua, nay đã tròn 85 tuổi, nhưng cảm giác về những ngày tháng đó vẫn thật đẹp và hào hùng trong tâm trí người CCB Đinh Tiến Xương. Ông nhớ lại: Đơn vị của tôi được thành lập và huấn luyện 9 tháng đầu tiên tại đèo Vai - Bắc Cạn, sau đó được học tập 17 tháng tại Vân Nam (Trung Quốc) về chuyên ngành pháo binh. Được cố vấn của bạn giúp đỡ tận tình về chuyên môn kỹ thuật và vũ khí trang bị, lúc về nước, trung đoàn mang theo 20 khẩu pháo 105 ly của Mỹ do bạn tặng cùng hàng chục ô-tô trang bị đầy đủ khí tài, máy móc.

Đầu năm 1953, trung đoàn hành quân về nước. Một vấn đề lớn đặt ra là làm sao đưa hết số pháo và xe từ biên giới Việt - Trung về đến điểm tập kết của đơn vị trong khi cả hai tuyến đường sắt, đường bộ đều bị hư hỏng nặng do máy bay địch liên tục phong tỏa và đánh phá dữ dội. Yêu cầu phải hoàn thành việc vận chuyển pháo tuyệt đối bí mật trong thời gian ngắn nhất đã thôi thúc chúng tôi nảy ra sáng kiến di chuyển pháo và ô-tô bằng đường sông mà phương tiện chính là bè mảng xuôi sông Hồng, sông Thao... Một đoàn vận tải sông với 30 thuyền được điều động phối hợp với trung đoàn làm nhiệm vụ này. Tất cả chia 3 bộ phận: bộ phận chỉ huy chung, bộ phận tháo lắp pháo và ô-tô thành từng bộ phận nhỏ để chuyên chở bằng bè, một bộ phận chặt nứa ghép bè.

Cả trung đoàn hành quân vào rừng, trong vòng 7 ngày chặt được 10 vạn cây nứa để đóng thành 100 bè. Tất cả đều được thử tải để bảo đảm chuyên chở được pháo trong điều kiện vượt thác ghềnh. Chiếc bè đầu tiên xuất hành thử nghiệm trong đêm đầu tiên đã bị đâm vào ghềnh vỡ tan. Cả trung đoàn lại rút kinh nghiệm, đóng bè khác chắc chắn hơn với gỗ kiềng mặt trên, mặt dưới bè, trên cùng đan phên nứa để kê các bộ phận của pháo, mỗi bè có 4 mái chèo, 1 bánh lái. Chặng đường đi dài hơn 100 cây số về đến bến Âu Lâu phải vượt qua 28 thác ghềnh cực kỳ nguy hiểm. Có những cái tên thác chỉ mới nghe đã làm khiếp vía, hãi hùng như: thác Điên khùng, Cối xay, Hổ vồ… Nhưng với quyết tâm lớn, cả trung đoàn ngày đêm làm việc không ngơi nghỉ. Từ chuyến đi đầu tiên thành công, trung đoàn đã thực hiện 100 chuyến đi bí mật, an toàn, không hề bị địch phát hiện. Cứ ban ngày đưa xe, pháo đã tháo rời xuống bè, ban đêm lặng lẽ xuôi về hạ lưu. Trong vòng 100 ngày đã đưa về căn cứ 20 khẩu pháo, 3.600 viên đạn, hàng chục ô-tô… Đây là chiến công độc đáo nhất của trung đoàn pháo binh đầu tiên của Việt Nam và cũng là thành công chưa từng có trên thế giới khi quyết định vận chuyển pháo bằng bè trên sông.

Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ đầu năm 1954, chặng đường hành quân 300 cây số lên chiến trường Điện Biên vượt qua các địa danh như Ba Khe, Cò Nòi, Tuần Giáo… cũng là thử thách vô cùng to lớn. Một lực lượng lớn dân công được huy động sửa đường, làm đường rộng hơn để đưa pháo vào chiến dịch. Địch phát hiện đánh phá tơi bời bằng đủ loại bom đạn, nhưng địch đánh cứ đánh, dân công cứ làm. Đêm đêm, các chuyến xe được ngụy trang kín đáo, chạy bằng đèn ngầm vẫn cứ âm thầm, lặng lẽ đưa pháo lên trận địa. Khó khăn lớn nhất với đơn vị pháo của chúng tôi không chỉ là kéo pháo vào rồi lại kéo ra trên những đèo dốc quanh co đầy vực thẳm, trơn lầy, mà gian khổ hơn nữa là làm trận địa trên cả 5 tuyến đường cơ động với chiều dài 70 cây số quanh các đỉnh núi. Chiến sĩ ta làm trận địa ngay trước mũi quân thù nhưng tuyệt đối không được để lộ. Sau đó là đào công sự trú quân cho cả pháo và người. Mỗi công sự phải xúc đi hàng trăm mét khối đất. Cứ như vậy, cả đêm lẫn ngày, hàng trăm công sự trên cả trận địa thật, cả trận địa giả để nghi binh đánh lừa địch đã được hoàn thành chỉ trong thời gian rất ngắn. Vất vả, gian nan, thiếu thốn, khó khăn trong suốt 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt... Hơn tất cả là vô vàn những hy sinh máu xương của bộ đội ta khi bom đạn kẻ thù ngày đêm trút xuống… Nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn pháo của chúng tôi đã phát huy hết tinh thần yêu nước, dũng cảm, sáng tạo, bí mật, bất ngờ, nhằm thẳng quân thù mà bắn, bắn chính xác từng viên đạn, tiêu diệt hàng loạt cứ điểm ở các đồi Him Lam, Hồng Cúm, A1, Độc Lập, Mường Thanh…, góp phần để chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc nhanh chóng và tưng bừng nở hoa chiến thắng.

HỒNG HẠNH


(Ghi theo lời kể của ông Đinh Tiến Xương - Trung đoàn pháo 45 - Sư đoàn 351 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954)

;
.
.
.
.
.