.
60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Vận tải đạn ở Điện Biên Phủ

.

Đại tá Nguyễn Văn Bang ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, nguyên Trung đội trưởng trong đội hình Tiểu đoàn vận tải 97, làm nhiệm vụ vận tải đạn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 60 năm đã qua, nhưng ông vẫn nhớ như in những tháng ngày làm nhiệm vụ trên Mặt trận Điện Biên lịch sử.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 97 đảm nhiệm vận tải đạn cho Trung đoàn lựu pháo 105 ly, thuộc Đại đoàn 351. Đường vận chuyển xuyên rừng vượt suối, máy bay địch đánh phá liên tục, lắm lúc đói cơm khát nước, gian khó trăm bề, nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ luôn giữ vững ý chí đưa hàng đến đúng thời gian, địa điểm. Toàn tiểu đoàn có 10 xe Gát, hơn 100 xe đạp thồ, còn lại là gùi bộ. Dù với phương tiện nào, anh em vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chuyển đạn nhanh đến trận địa.

Ông Bang kể: Đoạn đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài khoảng 90km, trước chỉ là đường ngựa thồ, nay dân công đã mở rộng để xe pháo cơ động được. Suốt ngày đêm, máy bay địch gầm rú, bắn phá và biết bao máu xương của đồng đội đã đổ xuống nơi đây. Tiểu đoàn chúng tôi được giao vận chuyển 3.000 quả đạn lựu pháo (mỗi quả 27kg) từ vị trí tập kết đến trận địa pháo với yêu cầu đạn phải còn nguyên đai, nguyên kiện. Cán bộ, chiến sĩ được quán triệt kỹ nhiệm vụ, ai cũng phấn đấu nâng cao trọng lượng mang vác, nhiều đồng chí gùi đến 70-80kg, nhiều xe đạp thồ chuyển đến gần 2 tạ hàng…

Đến ngày 24-1-1954, khi những quả đạn cuối cùng vào đến trận địa, thì chúng tôi thấy anh em pháo binh và bộ binh lầm lũi kéo pháo ra, và ngay hôm đó, đơn vị chúng tôi cũng nhận được lệnh cấp tốc vận chuyển đạn trở về vị trí tập kết. Trong đơn vị xuất hiện nhiều ý kiến thắc mắc, tiếc nuối công sức đã bỏ ra, trong khi máy bay địch ngày đêm ra rả các thủ đoạn tâm lý chiến. Nhưng cấp trên đã kịp thời quán triệt chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ «Đánh nhanh, thắng nhanh» sang «Đánh chắc, tiến chắc», làm cho tư tưởng anh em thông suốt và nêu cao quyết tâm vận chuyển đạn trở ra. Trước đó, khi chuyển đạn đến trận địa, để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, các pháo thủ đã mở niêm phong, bây giờ vận chuyển ra, lại phải đóng lại, trong khi thiếu thốn các thiết bị chuyên dụng. Còn nhiều khó khăn khác như thiếu lương thực, thực phẩm, tỷ lệ quân số ốm sốt cao… Đảng ủy tiểu đoàn đã ra nghị quyết về quyết tâm vận chuyển đạn ra an toàn, đúng thời gian, địa điểm, và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn này.

Hơn 10 ngày sau, đơn vị chúng tôi đã đưa hết đạn trở về vị trí tập kết và bước vào đợt chỉnh quân ngắn nhằm quán triệt kỹ tình hình nhiệm vụ. Qua phân tích, ai cũng thấy chủ trương thay đổi phương châm tác chiến là chính xác, sáng suốt, bảo đảm chắc thắng mà ít thương vong. Toàn đơn vị lại càng phấn khởi, tin tưởng vào cấp trên và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới...

Lần thứ hai, tiểu đoàn đảm nhiệm chuyển đạn trở vào trận địa và chủ yếu vận chuyển bằng ô-tô. Lần này, chúng tôi hết sức tin tưởng vào chiến thắng khi đạn được để trong các căn hầm kiên cố, vững chắc. Đặc biệt, các hầm pháo được khoét sâu trong núi, dày đến 3-4 mét để chống pháo lớn của địch. Tin chắc vào thắng lợi, chúng tôi cũng như anh em pháo binh đều háo hức mong đến ngày nổ súng tấn công.

Rồi cái ngày mong chờ đã đến. Ngày 13-3-1954, pháo binh ta dồn dập trút bão lửa xuống đầu quân xâm lược, làm kinh hoàng giặc Pháp ngay từ những loạt đạn đầu. Đêm 13-3, ta đánh chiếm căn cứ Him Lam. Đêm 14-3, ta tiếp tục tấn công làm chủ đồi Độc Lập. Sáng 15-3, tên Đại tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã tự sát trong sự tuyệt vọng và nhục nhã vì hoàn toàn không «khóa mõm» được pháo binh của ta như y từng tuyên bố trước đó.

Trong suốt chiến dịch, tiểu đoàn chúng tôi liên tục làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, bảo đảm số lượng để các pháo thủ giáng sấm sét xuống quân thù. Qua 3 đợt chiến đấu, toàn tiểu đoàn đã vận chuyển hơn 5.000 quả lựu pháo cùng với hàng chục tấn thuốc nổ đến trận địa và khiêng cáng thương binh, tử sĩ từ trận địa về phía sau. Suốt 56 ngày đêm, tiểu đoàn chúng tôi luôn bám sát trận địa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của pháo binh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến công «lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu».

Về hưu, ông Bang vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng địa phương, có nhiều đóng góp đối với phong trào CCB ở phường, hết sức năng nổ, xông xáo trong công tác giáo dục truyền thống. Trên cương vị tổ trưởng dân phố, ông đã dẫn dắt khu dân cư đạt nhiều thành tích tiêu biểu về xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.

LÊ VĂN THƠM

ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Bang

;
.
.
.
.
.