.
60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Đà Nẵng "chia lửa" với Điện Biên

Trong khi khắp nơi đang nô nức kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Nguyễn Duy Hưng (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), nguyên Bí thư Đảng ủy Khu Nam Đà Nẵng thời chống Pháp, càng bồi hồi nhớ lại trận tấn công phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ tại cầu De Lattre và Khu Đông Đà Nẵng.

... Đầu năm 1954, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định tổ chức tập kích vào Khu Đông Đà Nẵng, nhằm “chia lửa” với mặt trận Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ được giao cho Đội 11 đặc công, Đại đội 64 Điện Bàn và lực lượng du kích Khu Đông Đà Nẵng. Theo kế hoạch, cùng lúc ta tấn công 5 đồn địch ở Khu Đông Đà Nẵng (An Hải, Cổ Mân, Mân Quang, Tân Thái và Mỹ Khê), đồng thời đánh sập cầu De Lattre (chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Hàn hồi ấy) để cắt đường tiếp viện của địch từ phía tây sông Hàn. Nhiệm vụ đánh cầu được giao cho một tiểu đội đặc công nước, do đồng chí Kiều Sơn Đen chỉ huy. Khu ủy Khu Nam Đà Nẵng có nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị, hỗ trợ cho tiểu đội đặc công nước hoàn thành nhiệm vụ.

Tối 24-4-1954, từ vùng căn cứ Điện Bàn, hai đơn vị bộ đội xuất phát, vượt qua nhiều vùng địch tạm chiếm, tiến về các mục tiêu. Du kích Khu Đông Đà Nẵng dẫn đường, đưa bộ đội vòng tránh các đồn bốt địch, về ém quân ở gần từng mục tiêu đảm nhiệm. Cụ thể như lực lượng đánh đồn Mỹ Khê ém quân trên núi Sơn Trà, tiểu đội đặc công nước ém tại xóm Hói Nại (thuộc làng Nại Nam, phường Hòa Cường) - một xóm nhỏ ở phía tây cầu De Lattre…

Là người lãnh đạo cao nhất tại Khu Nam Đà Nẵng, cụ Hưng hết sức chú trọng công tác phối hợp, hỗ trợ cho tiểu đội đặc công nước. Cụ kể, sau nhiều ngày đêm quan sát, ta biết địch thường xuyên canh gác ở hai đầu cầu, còn lơi lỏng giữa cầu, từ đó, phương án chiến đấu được xác định là đánh thuốc nổ ngay đoạn giữa cầu. Các chiến sĩ đặc công nước bí mật bơi vào chân cầu, nghiên cứu cách đánh cụ thể. Để lừa địch, cả ngày lẫn đêm, ta thả bèo trôi qua cầu. Mới đầu, địch nghi ngờ có bộ đội Việt Minh núp dưới bèo, bắn xuống xối xả, nhưng bắn mãi mà chẳng thấy bộ đội, du kích đâu, chúng mới cho rằng bèo trôi bình thường và không bắn nữa…

Tối 25-4, tại Khu Đông, bộ đội, du kích lần lượt tiếp cận các mục tiêu. Một số bộ phận bí mật luồn qua hàng rào địch, “lót vào” bên trong. Lực lượng bố trí xung quanh các đồn sẵn sàng phối hợp tấn công. Ở các khu vực dự kiến địch tháo chạy đều có lực lượng du kích đón lõng. Tại Hói Nại, cụ Hưng và hai đồng chí chỉ huy Khu đội (Lê Phong, Khu đội trưởng; Huỳnh Đôn, Chính trị viên Khu đội) đón tiểu đội đặc công, lo liệu công tác bảo đảm, cung cấp thêm các tin tức về địch.

23 giờ 25-4, tiểu đội đặc công từ Hói Nại đưa 60kg thuốc nổ, núp dưới bèo, tiến đến sát trụ cầu ở giữa, kéo theo một chiếc thang tre. Các chiến sĩ nhẹ nhàng nhấc thang áp chặt vào trụ cầu. Tiểu đội trưởng Kiều Sơn Đen cùng một tổ nhanh nhẹn mang thuốc nổ trèo lên mặt cầu, lắp đặt và giật dây cháy chậm, rồi leo thang trở xuống. Toàn tiểu đội nhanh nhẹn bơi trở về vị trí tập kết. Do ngòi nổ hỏng, khối thuốc không nổ, đồng chí Kiều Sơn Đen đã bơi ra lại, điểm hỏa bằng nụ xòe. Một tiếng nổ lớn vang lên. Dẫu cây cầu không đổ sập như dự kiến, nhưng đã làm quân thù kinh hoàng, viện binh địch không dám qua cầu để cứu đồng bọn.

Cùng lúc đó, ở Khu Đông, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công 5 đồn địch. Các mũi xung kích dũng mãnh tiến công, khống chế, tiêu diệt các lô cốt, hỏa điểm địch. Các cánh quân bên ngoài liên tục hô xung phong và ào ạt xông vào đồn. Quân địch hoàn toàn bất ngờ, không kịp chống trả. Tại đồn Mỹ Khê, cả 45 tên địch cùng buông súng đầu hàng. Các đồn khác đều đối phó lúng túng, số bị diệt, số run rẩy xin hàng. Nhiều tốp địch tháo chạy lại rơi vào vị trí đón lõng của anh em du kích…

 Ở cả 5 đồn, ta đều giành thắng lợi nhanh chóng, thu tổng số hơn 140 khẩu súng các loại, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Lực lượng dân công kịp thời có mặt, phối hợp thu dọn chiến trường. Quân tiếp viện của địch không dám qua cầu De Lattre, dừng lại rất lâu ở đầu cầu phía tây. Ta có đủ thời gian tổ chức lui quân an toàn.

Nét mặt rạng ngời niềm tự hào, cụ Hưng khẳng định: Trận đánh cầu De Lattre và 5 đồn địch ở Khu Đông Đà Nẵng là trận tấn công hay, đạt hiệu quả cao, làm khiếp đảm quân thù ngay trong thành phố. Vị lão thành cách mạng nói tiếp: Tại Đà Nẵng, một trận đánh khác đặc biệt có ý nghĩa “chia lửa” với Điện Biên Phủ, đó là trận đánh do Đại đội 14 thực hiện, phá hủy toàn bộ một kho dù lớn của địch, không cho chúng có điều kiện đưa viện binh, vũ khí, đạn dược… tiếp tế lên Điện Biên Phủ.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.