.
KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3-3-1989 - 3-3-2014), 55 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3-3-1959 - 3-3-2014)

Tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

.

Chúng ta đều biết, biên giới quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là quyền và lợi ích quốc gia trên khu vực biên giới và các vùng biển đảo Việt Nam theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982, Luật Biên giới quốc gia và Luật Biển Việt Nam là nhiệm vụ thiêng liêng, là chiến lược lâu dài quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đảng ta, Nhà nước ta luôn ý thức rằng: trong thời đại ngày nay, bảo vệ vững chắc chủ quyền  biên giới, biển đảo Tổ quốc phải bằng sức mạnh toàn dân, toàn diện, lâu dài của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, để tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên cương bờ cõi của quân và dân ta, kết quả thực hiện phong trào “Ngày Biên phòng toàn dân” tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng phát động phong trào toàn dân “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc” chung sức, chung lòng xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh toàn diện, khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam XHCN, với những nội dung như sau:

BĐBP thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: Bá Vĩnh
BĐBP thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: Bá Vĩnh

1.
Tiếp tục quán triệt thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo của Nghị quyết số 28 BCH Trung ương (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo trong thời kỳ mới, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức quốc gia, quốc giới cho mọi người dân và bạn bè quốc tế trong việc khẳng định chủ quyền trên các vùng biển và hai quần đảo của Việt Nam, nhất là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Tiếp tục thực hiện đề án của Chính phủ, kế hoạch của UBND thành phố về “Phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới hải đảo” và nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”, trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc và thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” hằng năm. Ngành Giáo dục và đào tạo cần phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử thành phố, biên soạn giáo trình lịch sử địa phương với nội dung liên quan đến quá trình xác lập chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thí điểm giảng dạy trong năm học 2014-2015 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

2.

Nâng cao chất lượng hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng điểm sáng văn hóa trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo. Thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các sở, ban, ngành, hội đoàn thể đã ký kết với Bộ đội Biên phòng về: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới biển đảo trong tình hình mới. Tích cực tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các cấp, các ngành tập hợp lực lượng các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp các cơ quan chức năng, bằng nhiều hình thức đấu tranh đòi hỏi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, tuyên truyền khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng. Cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch bố trí dân cư, gắn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng với củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới biển. Tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, động viên, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Xây dựng các phường biên giới vững mạnh về mọi mặt, các quận biên giới là những pháo đài trong thế trận bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của thành phố.       

Chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh của thành phố như: cho vay vốn phát triển sản xuất, mua sắm phương tiện đánh bắt hải sản, chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm cho ngư dân… Đầu tư xây dựng các công trình cầu cảng, hệ thống đường giao thông, khu dân cư văn hóa biển, các công trình dân sinh, sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, thiết chế văn hóa, trạm quân dân y kết hợp… mang tính lưỡng dụng vừa phục vụ ứng phó các tình huống bất thường đột xuất xảy ra, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh khu vực biên giới biển, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn thành phố.

3.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Hướng về biên giới, hải đảo”, “Hướng về Hoàng Sa”, xây dựng quỹ “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Quỹ an ngư”, tham gia vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”..., vận động nhân dân bám biển sản xuất và tích cực tham gia bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo. Động viên con em hăng hái lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới, biển đảo. Tổ chức các hoạt động kết nghĩa, ký kết hoạt động giữa các địa phương với các đơn vị quân đội và Bộ đội Biên phòng, tuyến sau hướng về tuyến trước, nội địa hướng về biên giới, có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ đồng bào nơi biên giới, biển đảo, vùng khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, đóng góp sức người, sức của cùng quân dân cả nước xây dựng khu vực biên giới và  biển đảo quê hương ngày càng giàu đẹp, bình yên.

4.

Phát huy tốt mối quan hệ gắn bó máu thịt và đoàn kết quân dân, chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức, quan tâm, giúp đỡ nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ nhất là các đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đà Nẵng là địa phương đã từng được lịch sử giao nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, mở đầu cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo ngày nay, Đà Nẵng vẫn ở vị trí tuyến đầu, nhất là khi thành phố được nhân dân cả nước tin tưởng giao phó quản lý huyện đảo Hoàng Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Để hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng  kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân thành phố hãy chung tay góp sức, thông qua các hoạt động thiết thực của mình, hướng về biên giới biển đảo Tổ quốc; góp phần cùng quân dân cả nước quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Tổ quốc, xây dựng thành phố biển Đà Nẵng hiện đại, văn minh và  giàu đẹp.

NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố

;
.
.
.
.
.