.

Xử phạt chưa đủ răn đe

Từ 1-7, theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, gái mại dâm chỉ bị phạt hành chính, không bị buộc đi chữa bệnh, giáo dục nhân phẩm ở các trung tâm như trước đây.

Quy định mới này mang tính nhân văn, phù hợp luật pháp quốc tế về quyền con người, song không khỏi khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phòng chống... do mạng lưới hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng hiện nay vừa yếu, vừa thiếu; đồng thời gia tăng nỗi lo về nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng. Cụ thể, Luật Xử phạt vi phạm hành chính bỏ quy định áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Theo đó, người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính (phạt tiền 300.000 đồng lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm), thời gian tạm giữ không quá 24 giờ. Sau đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.

Thực tế cho thấy, quy định không đưa đối tượng gái mại dâm vào cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc khó tránh khỏi những vấn đề phức tạp. Nếu gái mại dâm hoạt động bị bắt quả tang chỉ phạt hành chính, mà không phải đưa vào diện quản thúc, thì khó tránh khỏi mại dâm sẽ gia tăng. Phạt - thả - phạt - thả… tạo nên một cái vòng luẩn quẩn khiến các đối tượng “nhờn”, không đủ sức răn đe. Ngoài ra, không loại trừ việc những người bị phạt lần hai sẽ cố “hoạt động” nhiều hơn để “gỡ” lại khoản tiền đã nộp phạt. Đó là chưa kể nhiều gái mại dâm không có tiền nộp phạt nhưng các lực lượng chức năng vẫn phải thả. Vì vậy, cứ đuổi chỗ này, gái mại dâm lại chạy sang chỗ khác để hoạt động.

Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đội kiểm tra liên ngành về văn hóa, xã hội các quận, huyện đã tiến hành tổng rà soát gần 300 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Riêng Tổ kiểm tra phòng chống mại dâm (thuộc Đội Kiểm tra liên ngành thành phố) đã kiểm tra 23 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm 23 cơ sở, trong đó cảnh cáo, nhắc nhở 14 cơ sở, phạt tiền 9 cơ sở, với số tiền hơn 40 triệu đồng. Điều đáng nói là tỷ lệ cơ sở vi phạm do Đội kiểm tra liên ngành thành phố phát hiện và xử lý rất cao, nhiều cơ sở hoạt động trên 3 năm nhưng chưa được kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, tình hình hoạt động mại dâm đã và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chế tài trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống mại dâm chưa đủ mạnh, hiệu quả đấu tranh phòng chống mại dâm còn thấp. Đó là chưa kể hoạt động mại dâm ngày càng lộ liễu, công khai. Hiện tượng ”chào hàng”, môi giới mại dâm trên Internet, giao dịch qua điện thoại di động không phải là ít.

Tại buổi tọa đàm với nội dung “Tư duy mới về quản lý tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, việc không đưa vào chữa bệnh tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06, mà chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với gái mại dâm sẽ tạo ra môi trường xã hội phát triển theo hướng không lành mạnh, dễ tái phạm. Như vậy, nên chăng cần có những giải pháp căn cơ hơn, mạnh tay hơn với loại tệ nạn này. Nếu có những quy định mới, dù mang tính nhân văn thì cũng cần sát thực tế, bám sát vào tình hình từng địa phương, trên nền tảng đã có những mạng lưới về pháp lý và cơ sở vật chất hỗ trợ gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

CHUNG ANH

;
.
.
.
.
.