.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần

.

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h chiều nay tại Viện quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sinh ngày 25-8-1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!" - Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.

Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.

Ngay sau khi Đại tướng qua đời, các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài đã có bài viết về Đại tướng, họ gọi ông là vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự.

AFP gọi đại tướng Võ Nguyên Giáp là “thiên tài quân sự” và là “người hạ gục phương Tây” trong bản tin về việc đại tướng từ trần. AFP nói đại tướng “được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất và là kiến trúc sư cho những chiến thắng vang dội của VN trước Pháp và Mỹ.”

Nhà báo Stanley Karnow khi viết về ông nói tài năng chiến lược đặt ông vào “ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại” như Wellington, Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur. “Nhưng khác với họ, những chiến tích của ông là bởi nhờ tài năng thiên bẩm hơn là nhờ đào tạo chính quy.”

AFP trích lại câu nói của tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hồi năm 2007, “Khi chúng tôi trưởng thành trong cuộc đấu tranh của mình, tướng Giáp chính là một trong những người anh hùng dân tộc của chúng tôi.”

Bản tin Reuters thì gọi đại tướng là bộ óc quân sự của VN và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của VN trong thế kỉ 20. Bản tin nói ông “được các sử gia xếp vào cùng với những nhà quân sự vĩ đại như Montgomery, Rommel và MacArthur.”

Reuters nhắc lại chuyện tướng Giáp từng ký “Vị tướng của hoà bình” khi được một người nhờ ký sách tại văn phòng LHQ ở Geneva.

AP gọi đại tướng là “vị tướng huyền thoại của VN” và nhắc lại chiến thắng “không tưởng” ở Điện Biên Phủ - trận chiến kinh điển đến giờ vẫn được dạy tại các trường quân sự, “không chỉ đem lại độc lập cho VN mà còn đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và quốc tế.”

AP trích lời đại tướng năm 2005 nói, “không có cuộc chiến giải phóng dân tộc nào lại dữ dội và gây ra nhiều tổn thất” như cuộc chiến ở VN. “Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu vì với VN, không có gì quý hơn độc lập và tự do.”

 
Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai.

Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó. Những hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng là những bộ sử sống động của hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam. Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục của cuộc chiến tranh.

Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được. Trước đây, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: Binh gia yếu lược (hay Binh thư yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện chỉ còn Hịch tướng sĩ và Lời di chúc của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư.

Thế kỷ 18, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là Hổ trướng khu cơ còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn.

Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để lại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại.

GS Phan Huy Lê

Tổng hợp

;
.
.
.
.
.