.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới

.

Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, ông còn được biết đến là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân.

Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.

Nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với tư cách là Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đề nghị này của ông đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và nỗ lực của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế kỳ diệu: Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã, và sau đó ta tập trung toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.

Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới.

Nhà ngoại giao chính trị sắc sảo, khoan hòa

Sắc sảo và cảnh giác, lịch lãm và kiên định lập trường là những phẩm chất giúp Đại tướng luôn nắm quyền chủ động khi đối mặt với những người đối thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tại Hà Nội hồi năm 1995
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tại Hà Nội hồi năm 1995

Qua những lần tiếp xúc, thương thuyết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và ở Hội nghị Đà Lạt (năm 1946), những tướng Pháp như Leclerc, Salan, Valluy, Molière, những chính trị gia Pháp như Sainteny, Max André, Messmer, D’Argenlieu đã rất có ấn tượng về ông và thừa nhận ở ông một “bản lĩnh chính trị đáng nể”.

Họ thừa nhận ở ông một ý chí kiên cường bảo vệ quyền lợi dân tộc không gì lay chuyển nổi. Tất cả những khái niệm mơ hồ, lập lờ của họ đưa ra khi thương thuyết đều không thể qua được mắt ông. Trí tuệ tinh tường, sáng suốt và sự uyên bác của ông đã khiến họ phải ngầm cảm phục.

Với những người Mỹ gặp ông sau chiến tranh Việt Nam, họ đều nhận thấy ở ông một nhà chính trị sắc sảo mà khoan hòa, có tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara trong 2 lần đến Việt Nam để tiếp xúc với ông đã có những ấn tượng khá sâu sắc.

Trong một cuộc tiếp xúc với cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Có lúc có những chính khách lớn của Mỹ tưởng rằng giao thiệp với Bắc Kinh hoặc với Mátxcơva là sẽ giải quyết được vấn đề Việt Nam. Họ đã nhầm. Trong chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, nhưng vấn đề Việt Nam là do Việt Nam giải quyết”.

Trả lời câu hỏi: Cái giá phải trả cho chiến thắng có tương xứng không? Đại tướng nói: “Đối với nhân dân Việt Nam thì “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là một chân lý đã được khẳng định bởi lịch sử. Việt Nam là một quốc gia - dân tộc đã hình thành từ rất sớm, hàng mấy ngàn năm, có một triết lý sống, một hệ tư tưởng mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần làm chủ đất nước, ý thức tự lực tự cường, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh Tổ quốc… Những bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà Ngài đã nêu lên trong cuốn Hồi tưởng của mình, tôi tin là nhân dân Mỹ đều hiểu. Trong cuốn sách của Ngài, có một bài học nữa đáng lưu ý, đó là: Không thể áp đặt ý muốn của một dân tộc (dù mạnh đến đâu) cho một dân tộc khác. Chỉ trên cơ sở độc lập, chủ quyền và bình đẳng thì giữa các dân tộc mới có hòa bình và hữu nghị”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara nói: “Ngài đã rất đúng khi nhấn mạnh rằng: Hòa bình chính là nền tảng vững chắc nhất để phát triển kinh tế - xã hội cũng như để phát triển quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thêm: “Hòa bình trên cơ sở bình đẳng...”. Câu nói thêm đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khắc họa được một khái niệm hoàn chỉnh để trao đổi, biểu hiện một tính chính xác rất cao trong tư duy và ngôn ngữ của Đại tướng.

Trong một lần dự lễ kỷ niệm Ngày độc lập ở Angiêri, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Cố vấn an ninh của Tổng thống Carter là Brzezinski và được hỏi: “Nếu được phép, xin được hỏi Đại tướng một câu: Chiến lược của Ngài là gì?”. Đại tướng trả lời: “Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình. Nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do”.

Thực vậy, nguyên lý “Hòa bình trong độc lập tự do” đã là nguyên lý chính trị cao nhất, là mục tiêu của mọi hoạt động chính trị đối ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mục tiêu mà ông đã kiên trì phấn đấu để đạt được, sau bao nhiêu năm chiến đấu dũng cảm trên mặt trận quân sự.

Nhà hoạt động đối nội vì mục đích “tự do, hạnh phúc cho nhân dân”

Nếu trong đường lối chính trị đối ngoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy “Hòa bình trong độc lập tự do” làm mục tiêu cao nhất, thì về mặt đối nội, mọi hoạt động của ông đều nhằm mục đích “Tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.

Ngay từ những năm đầu xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, tuy là người được phân công đặc trách về quân sự để bảo vệ nền độc lập mới giành được, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với năng lực của một nhà luật học cách mạng, đã tham gia phần đáng kể trong việc xây dựng dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên cho đến nhiều khóa sau.

Với nhãn quan chính trị sắc bén, nhìn Việt Nam và thế giới, nắm rõ xu thế toàn cầu, bên thềm Đại hội IX của Đảng, trong ý kiến phát biểu lần thứ nhất với Thường trực Tiểu ban xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội, Đại tướng đã có bài viết: “Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại tướng mong muốn Việt Nam nhanh chóng phát huy nội lực để hội nhập với thế giới mà không để mất vị thế và bản sắc của mình. Trong nhiều năm, ông đã đề xuất với Đảng những phương án đấu tranh xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân, lấy đó làm động lực để tiến nhanh, tiến mạnh, khắc phục tình trạng thoái hóa, biến chất, chặn đứng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, khắc phục nguy cơ “nội xâm” khiến cho những mưu toan “diễn biến hòa bình” không thể phát triển được.

Tất cả những ý kiến của Đại tướng đều được nhìn nhận là xuất phát từ ý chí bảo vệ quyền lợi của dân, lấy lợi ích của dân làm lợi ích tối cao, tối thượng. Ông luôn đặt sinh mạng chính trị của đất nước, nhân dân lên trên hết, tìm cách thu hẹp mọi bất đồng, mâu thuẫn nhằm khắc phục những khuyết điểm, sai lầm gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc.

Đức độ và tài năng, khiêm tốn và giản dị, dân chủ và bao dung, thanh cao và quyết đoán - đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp - một vị tướng tài đức vẹn toàn - “một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới”.

Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Trong lòng dân, ông là vị Đại tướng của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Đối với các thế hệ khoác áo lính trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông bao giờ cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao nhất mực, người “Anh Cả” kính mến. Đối với bạn bè năm châu, ông là vị anh hùng hiện thân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

“Một thống soái quân sự cỡ lớn” - Đó là cách đánh giá của Đại tướng Mỹ  William Westmoreland “đối thủ hôm qua” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Và bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, các tướng lĩnh và sử gia phương Tây đều có những nhận xét tương tự.

Đại tướng Anh Peter MacDonald thì coi ông là “một trong những Thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tướng Marcel Bigeard, một sĩ quan chỉ huy trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chỉ nói gọn một câu khi kết thúc cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Pháp RFI nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Tôi xin ngả mũ chào bái phục Tướng Giáp”.

Bernard Fall - một sử gia phương Tây khẳng định trong cuốn Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại rằng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể so sánh kịp với Tướng Giáp”.

Duncan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh (xuất bản ở London nhân dịp giải phóng miền Nam) thì coi Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng trong vòng 25 thế kỷ qua, từ thời xa xưa với Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời hiện đại, với Georgy Konstantinovich Zhukov... Theo Townson, mỗi vị danh tướng đó đều lập những chiến công “tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”...

Ảnh hưởng và uy tín của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chẳng những đã từng sâu sắc, mạnh mẽ trong hơn 30 năm kháng chiến, mà vẫn tiếp tục sâu sắc và mạnh mẽ ngay cả vào thời điểm hiện nay, hơn 20 năm sau khi ông lần lượt thôi giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tên tuổi nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp đã được khắc ghi trong cuốn Danh nhân Văn hoá thế giới. Ông là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.

Vị tướng già

"Những đối thủ của ông đã chết từ lâu

Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa

Ông ngồi giữa thời gian vây bủa

Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh

Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy

Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy

Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù

Trong góc vườn mùa thu

Cây lá cũng như ông lặng lẽ

Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ

Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây

Ông ra đi

Và...

Ông đã về đây

Đời là cuộc hành trình khép kín

Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến

Là một trời nhớ nhớ với quên quên

Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên

Cõi nhân thế mây bay và gió thổi

Bầy ngựa chiến đã chân chồn, gối mỏi

Đi về miền cát bụi phía trời xa

Ru giấc mơ của vị tướng già

Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở

Một chân ông đã đặt vào lịch sử

Một chân còn vương vấn với mùa thu".

Nhà thơ Anh Ngọc

Tổng hợp

;
.
.
.
.
.