.

Công chức về với dân

“Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải tham gia sinh hoạt với tổ dân phố (TDP) được phân công theo dõi ít nhất 1 lần trong năm. Nhiệm vụ của họ là đôn đốc TDP thực hiện nhiệm vụ, theo dõi phong trào, nắm thông tin, phản ánh kịp thời tình hình cơ sở đến lãnh đạo quận và làm công tác dân vận.

Mặt khác, việc đưa CBCCVC về với dân cũng để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát họ. Đây cũng là môi trường đào tạo cán bộ”, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết mục đích đưa CBCCVC về sinh hoạt với dân, triển khai từ tháng 6-2013.

Gần dân càng phải có trách nhiệm với dân

Theo kế hoạch của quận, 201 CBCCVC của 3 khối Dân-Chính-Đảng chia thành 5 đoàn do các Phó Chủ tịch UBND quận làm Trưởng đoàn được phân công về sinh hoạt với 873 TDP của 5 phường. Bình quân mỗi CBCCVC phụ trách từ 1-5 TDP. Theo quy định của thành phố, TDP sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần nên CBCCVC phải tham gia sinh hoạt với TDP được phụ trách ít nhất một lần trong năm. Ngay sau khi ban hành kế hoạch, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu tiến hành bàn giao số CBCCVC này cho 5 phường kèm theo danh sách phân công được thông báo đến tổ trưởng và nhân dân các TDP. Nhiệm vụ của CBCCVC không chỉ nắm thông tin tại các cuộc họp định kỳ mà phải thường xuyên liên hệ với tổ trưởng và nhân dân TDP nơi mình phụ trách theo dõi để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình cơ sở. Chị Đoàn Thị Xuân Thu, nhân viên Văn thư của Văn phòng UBND quận tâm sự: “Lúc đầu về sinh hoạt với 3 TDP ở phường Hòa Minh tôi rất bỡ ngỡ mặc dù nhiệm vụ của mình chỉ nghe, tiếp thu để báo cáo nhưng thấy dân rất tin tưởng gửi gắm nguyện vọng, kiến nghị. Tôi thấy phấn khởi vì được giao trọng trách và được dân tin, lại càng thấy mình làm sao phải có trách nhiệm với nhân dân”.

Qua hai tháng triển khai, nhân dân trên địa bàn quận rất phấn khởi ủng hộ chủ trương của quận với quan điểm cán bộ về sinh hoạt với dân là cầu nối chuyển tải thông tin từ cơ sở nhanh nhất, trực tiếp nhất. Ông Nguyễn Minh Tiến, Tổ trưởng TDP 54, phường Hòa Khánh Nam nhìn nhận: So với quy định đảng viên đương chức về sinh hoạt với cấp ủy khu dân cư thì việc cử CBCCVC về sinh hoạt với TDP có ưu điểm là đối tượng cán bộ đa dạng hơn, có người là đảng viên, có người chưa đảng viên. Số lần gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân nhiều hơn. Như vậy họ được lắng nghe dân nói nhiều hơn. Điều này có lợi cho dân là những kiến nghị, bức xúc của họ đến với lãnh đạo quận nhanh hơn. Ông Tiến nêu ngay ví dụ là trong cuộc họp tổ tháng 6 vừa qua, bà con đề nghị quận đầu tư nâng cấp tuyến thoát nước  đường bê-tông kiệt 50 đường Phạm Như Xương đang xuống cấp thì được đáp ứng ngay.

Tất cả các ý kiến được CBCCVC ghi nhận được phải báo cáo tại cuộc họp mỗi đoàn. Các ý kiến sau khi được xác minh, phân loại theo thẩm quyền cấp giải quyết để chuyển đến cấp đó. Thông thường những kiến nghị của nhân dân thuộc trách nhiệm của quận, phường đều được giải quyết nhanh chóng. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp thành phố được tập hợp chuyển cơ quan có trách nhiệm.

Nhờ dân giám sát để cán bộ tiến bộ hơn

Ông Dương Thành Thị cho biết: Đưa CBCCVC về sinh hoạt với dân, quận muốn thiết lập một kênh thông tin hai chiều. Một là nắm chắc tình hình cơ sở, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ và phong trào của TDP, làm công tác dân vận. Hai là thông qua thông tin phản ánh của nhân dân để giám sát CBCCVC. “Nói đúng hơn là chúng tôi đưa cán bộ về với dân để nghe dân nói nhưng cũng nhờ dân giám sát cán bộ có lắng nghe dân nói không, có giữ mối liên hệ thường xuyên với dân không. Không chỉ có những công chức, viên chức đang đảm nhận chức danh lãnh đạo, những CCVC trẻ cũng phải biết lắng nghe dân nói, biết làm dân vận. Chúng tôi tin rằng việc đưa CBCCVC về sinh hoạt với dân là tạo thêm một môi trường mới để họ phấn đấu, trưởng thành hơn”, ông Dương Thành Thị chia sẻ.

Thực hiện quan điểm này, Phòng Nội vụ quận Liên Chiểu đã tham mưu cho UBND quận lập phiếu lấy ý kiến đánh giá của nhân dân, tổ trưởng TDP đối với CBCCVC được cử tham gia sinh hoạt với TDP. Ông Phạm Minh, Trưởng phòng Nội vụ quận cho hay: Cùng với triển khai đánh giá công chức theo kết quả làm việc tại cơ quan thì việc lấy phiếu đánh giá ở khu dân cư đối với CBCCVC làm cho việc đánh giá CBCCVC toàn diện hơn, sát thực hơn. Một công chức được đánh giá tốt không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan mà còn phải có mối liên hệ với nhân dân, có kỹ năng dân vận và có uy tín với nhân dân.

Ông Đặng Đức Thuật, một người dân ở TDP 45C phường Hòa Khánh Bắc nhận xét: Việc quận Liên Chiểu đưa CBCCVC về sinh hoạt với dân chính là một cách đào tạo, rèn luyện cán bộ theo phương châm “Gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.