.
Hội thảo "Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng"

Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch và công nghệ cao ở châu Á

.

(ĐNĐT) - Sáng ngày 12-7, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” lần thứ hai với chủ đề “Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố mang tầm vóc khu vực ASEAN và châu Á - Từ ý tưởng đến giải pháp”.

Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố, Văn Hữu Chiến; Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, Trần Du Lịch; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Võ Trí Thành đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, cùng lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, lãnh đạo một số tập đoàn lớn, các doanh nhân trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN

Diễn đàn cho những ý tưởng sáng tạo về Đà Nẵng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chia sẻ, trao đổi, đối thoại sâu hơn về những vấn đề cũng như những kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ, công nghiệp và đô thị... Đây là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân, giới truyền thông cùng bàn bạc, đề xuất các ý tưởng sáng tạo, có giá trị, đóng góp cho sự phát triển của Đà Nẵng.

Theo đó, Hội thảo đã thu hút hơn 10 tham luận và hàng chục ý kiến hướng đến tìm các giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và nhấn mạnh đến đặc trưng của một “đô thị đáng sống” hay “thành phố sống tốt”. Và nội hàm quan trọng nhất, chính là làm thế nào để khai thác, sử dụng có hiệu quả những ý tưởng đã được nêu ra tại hội thảo để xây dựng và phát triển Đà Nẵng đúng với mong đợi của nhiều người…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: Sau 10 năm trở thành thành phố đô thị loại 1, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo nên một diện mạo mới cho một thành phố trẻ, hiện đại, năng động, đầy tiềm năng và thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Và sau lần tổ chức hội thảo thứ nhất vào tháng 3-2011, đã có những ý tưởng hay, sáng tạo và có tính khả thi được triển khai, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Chính vì vậy, hội thảo lần này sẽ phát huy những kết quả đạt được, qua đó mong muốn tiếp tục hoàn thiện những ý tưởng sáng tạo, có giá trị cao; cụ thể hóa thành những nhóm giải pháp hữu hiệu.

Tiếp nối các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất, các ý kiến đóng góp tiếp tục xoay quanh các nội dung: Đề xuất các giải pháp tiếp cận mới về quy hoạch, tổ chức không gian, phát triển kiến trúc đô thị, giao thông và môi trường đô thị. Mục tiêu là đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ hướng biển quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế cho miền Trung-Tây Nguyên và tam giác phát triển Đông Dương. Đồng thời, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ cao ở khu vực ASEAN và châu Á...

Ưu tiên phát triển du lịch, công nghệ cao

TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng, cho biết: Trong những năm gần đây, do tác động không thuận lợi của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự ảm đạm và trì trệ của thị trường bất động sản, sự giảm sút nguồn thu ngân sách của địa phương, sự khó khăn của các doanh nghiệp,… nên tốc độ đầu tư có chậm lại, nhưng Đà Nẵng vẫn là điểm sáng so với bức tranh kinh tế chung của cả nước về sự năng động trong phát triển; vẫn là điểm hấp dẫn về đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, để Đà Nẵng trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và thật sự như “một viên kim cương tỏa sáng trên bờ biển Đông ra thế giới” thì nhiệm vụ của Đà Nẵng còn nặng nề, còn nhiều thử thách trong vài thập niên tới.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, trong tương lai, để sánh ngang với các thành phố trong khu vực ASEAN và châu Á, Đà Nẵng cần phát triển trở thành một thành phố dịch vụ du lịch và công nghệ cao.

Còn theo TS. Hoàng Vĩnh Hưng, Khoa Quy hoạch đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội: Sau 16 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn trong phát triển đô thị. Những thay đổi đó là do thành phố đã có những định hướng phát triển có tầm nhìn xa, chính sách đúng đắn, có tính chiến lược trong công tác quy hoạch đô thị. Chính sự phát triển đô thị đã tạo cơ sở cho kinh tế của thành phố tăng trưởng... Chính vì vậy, để tìm ra định hướng phát triển đô thị cho Đà Nẵng trong 20 năm tới, cần phân tích kỹ những ưu - nhược điểm của quá trình phát triển đô thị trong 16 năm qua cũng như nhìn nhận được những cơ hội và thách thức mang tính khu vực, toàn cầu trong tương lai trung hạn.

Về định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ cao ở khu vực ASEAN và châu Á, có các ý tưởng như: “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thành phố Đà Nẵng” của Ths. Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc; “Bảo tàng Chăm - Giá trị văn hóa và kinh tế lớn ở Đà Nẵng” của ông Nathan - Nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ; "Khu phức hợp Thiên Thanh, nơi mua sắm lý tưởng cho một thành phố du lịch" của ông Đỗ Văn Quất - Tập đoàn Thiên Thanh… Đáng chú ý là tham luận của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam với tiêu đề: "Định hướng và giải pháp phát triển Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp quốc tế" với hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn kết hợp với việc ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn như dịch vụ logistics, dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính ngân hàng, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, hình thành trung tâm y tế chuyên sâu... Và để làm tốt những vấn đề trên, Đà Nẵng cần triển khai các giải pháp như: Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng..

Theo TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Việt Nam, dựa trên những thuận lợi về địa thế có sông, biển, núi, để trở thành một thành phố ngang tầm ASEAN và châu Á, Đà Nẵng cần phát triển bến du thuyền, xây dựng thành phố trên cao và chiếu sáng cho sông Hàn để thu hút du khách và nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Đồng thời, khai thác vịnh Đà Nẵng không chỉ với du thuyền, cảng tổng hợp mà cần có một điểm vui chơi, giải trí. Vì vậy, ông đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo trong lòng vịnh Đà Nẵng... Ngoài ra, ông còn đề xuất dành đỉnh cao phía Tây của bán đảo Sơn Trà xây dựng một tổ hợp khách sạn hạng sang tầm vóc quốc tế, đồng thời nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng...  

Hội thảo cũng đã được nghe một số tham luận về phát triển đô thị, không gian đô thị như: "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông đô thị thông minh tại thành phố Đà Nẵng" của Tổng giám đốc Công ty giải pháp công nghệ FPT Phạm Minh Tuấn, và “Giải pháp xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị ánh sáng” của TS.KTS Trần Văn Thành, đại diện Tập đoàn Philips. Bên cạnh đó, còn có một số tham luận mở quan trọng của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, KTS quy hoạch quốc tế Salva Ferdor Ezarryou, TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị nông thôn, ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Việt Nam và ông Paul Ta Pho, Tổng giám đốc Tập đoàn Rocky Lai...  

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ cho rằng: Mặc dù thời gian không nhiều, tại hai phiên thảo luận, kể cả phiên thảo luận bàn tròn chiều 11-7, nhiều đại biểu đã trao đổi, thảo luận, thậm chí phản biện, nêu lên nhiều ý tưởng, giải pháp hay, rất đáng ghi nhận.

Phó Bí thư Trần Thọ nhấn mạnh: “Vấn đề quy hoạch đô thị, đây cũng là một trong những bài học thành công vừa qua của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi trân trọng ghi nhận những ý kiến đề xuất của quý vị đại biểu, như: phát triển đô thị nước, không gian đô thị, quy mô dân số, chất lượng dân số, hay tăng trưởng xanh bền vững… Chúng tôi cho rằng, những ý tưởng đó rất hay. Vấn đề phát triển đô thị trên cao, chúng tôi đã có những suy nghĩ. Vấn đề chiếu sáng tạo nên sự hấp dẫn, lung linh giữa hai bờ sông Hàn, đặc biệt là bờ Đông sông Hàn hay ý tưởng xây dựng các trung tâm dịch vụ đẳng cấp ở Đà Nẵng; phát triển dịch vụ du thuyền trên biển, kết nối giữa Đà Nẵng với Lăng Cô để khai thác tiềm năng du lịch hiếm có của vùng này... cũng là những ý tưởng rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, nhiều lần chúng tôi nghe về việc xây dựng thành phố thông minh trên nhiều lĩnh vực, rồi giải pháp phát triển giao thông đô thị, phát triển công nghệ cao, nông thôn sạch, xây dựng thành phố tiên phong, minh bạch, phục vụ người dân…”

Phó Bí thư Trần Thọ khẳng định, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện ý tưởng, lựa chọn giải pháp khả thi, làm sao biến những ý tưởng đó thành hiện thực để góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng sánh ngang với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN và châu Á.

Thành Lân - Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.