.

Đến năm 2020, Đà Nẵng đào tạo mới 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ

.

Ngày 19-12, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì Hội nghị.  Ảnh: N.ĐOAN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì Hội nghị. Ảnh: N.ĐOAN

Theo đó, mục tiêu tổng quát của thành phố đề ra là phát triển nhân lực bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên môn cao… phục vụ yêu cầu phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, một trong những trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cụ thể, đến năm 2015 bảo đảm đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, trong đó có 55% lao động qua đào tạo (19% có trình độ ĐH, CĐ, 2% có trình độ thạc sĩ trở lên, 11% TCCN và 25% công nhân kỹ thuật). Đào tạo mới 5.000 thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài làm việc trong khu vực công của thành phố. Đào tạo bồi dưỡng 4-5 chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, có khả năng tư vấn hoạch định, triển khai các chương trình hay đề án phát triển các ngành trọng yếu của thành phố.

Mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Riêng thành phố Đà Nẵng có 70% lao động qua đào tạo (21% có trình độ ĐH, CĐ, 2% có trình độ thạc sĩ trở lên, 16% TCCN và 33% công nhân kỹ thuật). Đào tạo mới 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có 1.000 người làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, 2.000 người làm việc cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và 5.000 người cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đào tạo mới 200 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài làm việc trong khu vực công của thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, thành phố luôn cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có tay nghề cao để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách đột phá như ban hành các đề án để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài từ các địa phương khác về Đà Nẵng làm việc; có chính sách ưu đãi trong tuyển dụng, bố trí công việc… Tuy nhiên, hiện nay quy mô đào tạo, mục tiêu đào tạo ở một số trường ĐH, CĐ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; nhiều cơ sở đào tạo manh mún, phát triển kiểu tự phát; trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở đào tạo sau ĐH đạt chuẩn quốc tế; trình độ ngoại ngữ của sinh viên, học sinh còn hạn chế. Đồng chí lưu ý, để đề án phát triển nhân lực đạt kết quả, các cơ quan quản lý phát triển nguồn nhân lực sớm xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Trong thời gian đến, cần thành lập Hội đồng đào tạo nhân lực thành phố, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu lao động. Đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, giúp các em chọn ngành, nghề đúng theo năng lực, sở thích.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.