.

Lao động phổ thông: Vừa thừa vừa thiếu

.

Đó là điệp khúc luôn diễn ra vào thời điểm những tháng cuối năm, và năm nay cũng không là ngoại lệ, thậm chí còn căng thẳng hơn.          

Người xin việc nhiều

Thông tin tuyển dụng lao động thời vụ nhan nhản khắp nơi, nhưng kiếm được việc làm ưng ý không đơn giản.


Theo chủ một shop giày dép trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, chỉ cần dán một tờ giấy nhỏ ở phía trước nhà với thông tin “Cần tuyển nhân viên”, thì mỗi ngày ít ra cũng có cả chục người đến xin việc.
 
Chiếm đa số trong số này là sinh viên. Thỉnh thoảng cũng có những người vừa tốt nghiệp đại học chưa có việc làm đến xin việc để kiếm tiền trong dịp cuối năm. Còn chị Hà Thị Huệ, chủ tiệm bán vải và quần áo trên đường Hùng Vương cho biết thêm: “Đầu tháng 10 vừa qua, tôi dán một  miếng giấy nhỏ ghi “Cần nữ nhân viên bán hàng”, ngay trong ngày đầu tiên đã có gần 20 người đến xin việc. Sau đó tôi đã bỏ giấy thông báo nhưng thỉnh thoảng vẫn có người đến hỏi có cần người phụ bán hàng hay không?”.

Anh Trần Anh Huy, chủ cơ sở cửa sắt Anh Huy trên đường Trần Cao Vân tỏ ra khá ngạc nhiên, vì anh chỉ viết bằng phấn lên miếng sắt “Cần thợ sắt, lương thỏa thuận” treo lên vào buổi sáng, trưa đã có người cầm giấy giới thiệu đến xin việc. Cầm giấy giới thiệu, anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy trong giấy ghi hẳn tên một công ty tư vấn giới thiệu việc làm giới thiệu đến đây. Người xin việc còn cho biết, trung tâm này đã thu của họ 100 ngàn đồng tiền giới thiệu việc làm.

Tìm hiểu sự việc anh mới biết rằng, có một số “công ty” chuyên đi trên đường, thấy cơ sở sản xuất kinh doanh nào thông báo “cần tuyển nhân viên” là họ về “công ty” thu lệ phí và giới thiệu người xin việc đến những địa chỉ này.

Không thông báo tuyển nhân viên hay bất cứ thông tin nào khác, thế nhưng tại các công trình xây dựng nhà cửa, công sở, giao thông, hằng ngày luôn có rất nhiều người đến xin việc làm thời vụ. Người xin việc nhiều đến mức một số công trình phải treo bảng “Không tuyển lao động thời vụ”.

...nhưng vẫn thiếu người làm việc

Mặc dù người xin việc nhiều như vậy, thế nhưng theo những cơ sở cần tuyển lao động thì việc kiếm được người làm được việc là chuyện không đơn giản. Cũng theo chủ shop giày dép trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, vì đặc điểm công việc nên thời gian làm việc mỗi ngày phải bắt đầu từ 8 giờ sáng và thường kéo dài đến sau 20 giờ mới chấm dứt.

Do vậy, rất nhiều người chỉ cần nghe có vậy là rút lui ngay. Số người xin việc chấp nhận điều kiện này thường là những người ở nông thôn mới ra thành phố kiếm việc. Tuy nhiên, những người này thường không có khả năng buôn bán nên không thể thuê họ được. Nếu mình cần người mà cố nhận họ vô làm việc, được một thời gian khi bắt đầu tạm quen công việc, họ sẽ đòi tăng lương. Nếu không đáp ứng được điều này, họ sẽ bỏ đi nơi khác kiếm việc.

Về vấn đề này, anh Lê Thành Tiến, chủ thầu xây dựng ở quận Sơn Trà cho biết thêm: Thời điểm cuối năm cực kỳ căng thẳng về người lao động, nhất là thợ có tay nghề cao. Tuy nhiên, việc có được những người này là điều không đơn giản, vì họ luôn được các chủ thầu khác lôi kéo. Để giữ chân họ, anh đã khoán lại một số công việc cho những người này, dù sẽ khó ăn nói với chủ nhà, bên cạnh việc lãi sẽ rút xuống rất nhiều, nhưng gần như những người như anh Tiến không còn lựa chọn nào khác, nếu không muốn bị phạt vì trễ thời hạn thi công.

Ngay DN Nhà nước như Công ty Môi truờng đô thị chẳng hạn, dù đã thành quy luật là đến thời điểm cuối năm phải thuê thêm hàng trăm lao động thời vụ, nhưng năm nào cũng rơi vào tình cảnh khó khăn trong khâu tìm người lao động. Vì ngoài đặc điểm công việc nặng nhọc và làm việc kéo dài đến ngày cuối cùng của năm, họ còn gặp sự cạnh tranh rất quyết liệt từ những công ty tư nhân chuyên hoạt động trên lĩnh vực dọn dẹp vệ sinh xuất hiện rất nhiều thời gian gần đây.

Điệp khúc vừa thừa vừa thiếu lao động thời vụ dịp cuối năm không biết bao giờ mới được giải quyết, để cả người cần việc và người cần tuyển lao động cùng có lợi.
       
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
      

;
.
.
.
.
.