Cách làm của Đà Nẵng thấm vào lòng dân

.

Cái riêng của Đà Nẵng, nổi bật nhất của Đà Nẵng chính là cách làm của thành phố thấm vào trong dân, đấy là cái nổi bật mà ít thấy địa phương nào có được…

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh như vậy khi trò chuyện đầu Xuân với Báo Đà Nẵng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), sự điều hành của chính quyền, sự bứt phá của thành phố và lòng dân Đà Nẵng.

Ảnh: V.V.ÁNH
Ảnh: V.V.ÁNH

PSG.TS Trần Đình Thiên cho biết:

- Lâu nay, mô hình phát triển của Việt Nam trông chờ vào tài nguyên, vào điều kiện thuận lợi của thiên nhiên. 30 năm qua, chúng ta vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào nguồn lao động rẻ tiền, là những cái trời cho, nên không thay đổi đẳng cấp được.

Trong tình hình đó, những địa phương biết dựa vào năng lực của mình, dựa vào sự năng động của bộ máy chính quyền thì sẽ tạo ra sức mạnh và triển vọng phát triển. Đà Nẵng là một ví dụ. Bình Dương cũng thế, và gần đây là Đồng Tháp, Quảng Ninh...

Nghĩa là chỗ nào chính quyền địa phương năng động, đi theo đúng lập trường tôn chỉ: chính quyền sinh ra để phục vụ doanh nghiệp, nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp... thì được doanh nghiệp bỏ phiếu tốt. Đà Nẵng năm 2017 đứng nhất trong nhóm các địa phương dẫn đầu PCI, tôi nghĩ bảng xếp hạng này là chính xác.

Thiếu nhi Đà Nẵng vẫy chào du khách. Ảnh: VÕ VĂN ANH
Thiếu nhi Đà Nẵng vẫy chào du khách. Ảnh: VÕ VĂN ANH

* Không những 4 năm liên tiếp dẫn đầu, mà trong 12 năm xếp hạng PCI, Đà Nẵng có đến 7 năm dẫn đầu, 3 năm đứng thứ hai. Ông đánh giá như thế nào về cách làm của Đà Nẵng so với các địa phương khác?

- Tôi nghĩ Đà Nẵng đã khởi động và tăng tốc phát triển từ thời ông Nguyễn Bá Thanh. Khi ấy, Đà Nẵng đã đặt ra một quỹ đạo cho mình. Qua nhiều năm, cách làm này đã đi vào lòng dân, trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.

Đối với PCI, điểm xếp hạng dành cho chính quyền nhưng yếu tố người dân cũng ảnh hưởng rất mạnh đến kết quả này. Đấy chính là thái độ văn hóa, sự trung thực, sự đàng hoàng, sự nỗ lực của người dân trong việc sẵn sàng hỗ trợ phát triển... Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều khi xét về khía cạnh chính quyền thôi thì chưa đủ, tôi tin rằng chính quyền là một yếu tố đúng nhưng chính người dân Đà Nẵng, cộng đồng xã hội Đà Nẵng mới chính là yếu tố bảo đảm cho thành phố đạt kết quả như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận theo khía cạnh đó. Cái riêng của Đà Nẵng, nổi bật nhất của Đà Nẵng chính là cách làm của Đà Nẵng thấm được vào trong dân chúng, mang lại sự tự hào cho người dân. Tôi cho rằng đấy là cái nổi bật mà ít thấy nơi nào có được.

* Ông có vẻ hiểu nhiều về Đà Nẵng và về người dân thành phố bên sông Hàn?

- Tôi có nhiều kỷ niệm với thành phố này. Một lần tôi vào Đà Nẵng, buổi sáng đi ăn bún bò với vợ ở một quán bình dân trên vỉa hè. Khi tôi gọi thêm một chén nước, bà chủ do bận rộn buôn bán nên quên yêu cầu của tôi...

Một người ngồi bên cạnh, không quen biết tôi liền nhắc nhở bà chủ về sự lơ đãng ấy. Nghe khách nhắc, bà chủ mang chén nước ra. Không thấy rau, tôi gọi rau, bà chủ lại không để ý, người khách ấy trách cứ thì sau đấy lại có rau.

Nếu ở nơi khác, chẳng ai bận tâm như thế, nhưng người Đà Nẵng thì khác... Tôi nán lại để chuyện trò với người khách ấy và được biết đó là chuyện bình thường, người dân Đà Nẵng ai cũng làm vậy. Đấy là cái riêng của Đà Nẵng.

Tính tôi cũng thường mặc cả để biết người dân địa phương như thế nào. Mặc cả cho vui, chứ tôi biết những người buôn bán nhỏ ấy rất vất vả. Khác với địa phương khác, người Đà Nẵng không thích mặc cả. Tôi thử mặc cả vài lần, thế là người ta cáu: “Tại sao chú lại không tin tôi, chúng tôi nói để bán chứ không phải để đùa”.

Người ta nói 100 mà mình trả giá năm, sáu chục thôi, tức là mình rất coi thường người Đà Nẵng. Họ nổi giận vì điều này, bởi người Đà Nẵng nói như thế nào là như thế đó, rất trung thực, đàng hoàng, không có chuyện “hét giá” trên trời.

Tôi từng phát biểu tại một hội thảo rằng, đấy là vốn rất quý của Đà Nẵng thời hội nhập. Người dân làm khách đến tin vào sự trung thực, đàng hoàng thì người ta sẽ đến vì những điều như vậy. Đà Nẵng chắc chắn là một thành phố du lịch mà du khách khắp nơi trên thế giới sẽ kéo đến. Cái đấy là nguồn vốn quý, cần lưu giữ. Đến bây giờ, du lịch Đà Nẵng vẫn đang có nguồn sức mạnh ấy - một lợi thế đặc biệt mà Đà Nẵng đang phát huy và cần phát huy tốt hơn nữa.

Một điểm nữa, tôi nghĩ Đà Nẵng đang tận dụng rất tốt lợi thế thủ phủ miền Trung. Cần gia tăng lợi thế này, tận dụng sự ủng hộ của Trung ương và khu vực để phát triển hơn nữa.

Ảnh: PHƯƠNG MINH
Ảnh: PHƯƠNG MINH

* Vậy theo ông, để làm đầu tàu cho miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng cần làm gì?

- Đấy là vấn đề then chốt, muốn dẫn đầu thì đừng so với người đi sau mà so với người đi trước, đặt mình vào đẳng cấp của người đi trước. Chúng ta thường so với quá khứ, với những địa phương cùng hạng với mình về mặt hành chính, thế rồi bảo mình là nhất.

Hơn nữa, Đà Nẵng tuyệt đẹp, có tài nguyên biển và tài nguyên nhân văn tuyệt vời như thế, có vị trí chiến lược hay như thế... thì không thể so sánh Đà Nẵng với những địa phương đi sau. Mục tiêu đặt ra là Đà Nẵng phải vượt lên một đẳng cấp khác. Để làm được điều đó, Đà Nẵng phải thật sự định hình được đẳng cấp phát triển khác, hoàn toàn vượt lên, để các địa phương cùng vượt lên theo.

Để làm được như vậy, Đà Nẵng phải liên kết được với Quảng Nam, với Thừa Thiên Huế, với cả duyên hải miền Trung; Đà Nẵng phải gắn kết với cả Phong Nha Kẻ Bàng, với Sơn Đoòng… để tạo ra đẳng cấp hạng nhất thế giới về phát triển chuỗi du lịch.

Điểm mấu chốt Đà Nẵng phải là một trung tâm hội tụ khách - nơi để người ta tụ lại, người ta vui chơi, người ta tiêu tiền, để du khách thấy Đà Nẵng lung linh cả đêm với bờ biển tuyệt vời. Hiện tại, Đà Nẵng có cái gì để người ta sống về ban đêm đâu! Du lịch mà không sống về ban đêm là du lịch tầm thấp. Du lịch phải tạo ra chỗ tiêu tiền, “kích động” để người ta tiêu tiền. Tóm lại, Đà Nẵng phải có một tầm nhìn du lịch khác, vượt hẳn lên về đẳng cấp. Lúc đó, Đà Nẵng sẽ kéo được những nhà đầu tư hạng nhất đến.

* Vậy yếu tố nào là quan trọng nhất để Đà Nẵng phát triển?

- Con người Đà Nẵng cực kỳ quan trọng; trong đó, cần có những lãnh đạo kết tinh đúng phẩm chất của Quảng Nam-Đà Nẵng, của xứ Quảng. Có lý tưởng, khát vọng, trung thực và có cả chất “Quảng Nam hay cãi”… Càng nhiều khát vọng, lý tưởng, càng trung thực, thẳng thắn thì càng hội tụ được lòng người. Thiên nhiên miền Trung khốc liệt như thế, mới sinh ra con người can trường, đàng hoàng, trung thực. Người ta đến Đà Nẵng trước hết là vì con người. Khi người ta tin rằng, nơi đây không có trộm cắp, không có chèo kéo khách, không “chặt chém”, mọi thứ rõ ràng, trung thực thì người ta sẽ làm ăn ở mảnh đất này lâu dài. Giữ được cái vốn quý ấy, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển.

TRƯƠNG VŨ QUỲNH

;
.
.
.
.
.