.

Hướng đến một thành phố văn minh, sống tốt

.

“Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” là một trong những mục tiêu tổng quát đến năm 2020 được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định.

Làm gì để Đà Nẵng trở thành thành phố an bình, nơi đáng sống của người dân và du khách? Đi tìm câu trả lời này, Đà Nẵng Xuân Bính Thân 2016 mở Bàn tròn Xuân, đóng góp một số ý kiến nhằm đồng hành với chính quyền và nhân dân thành phố trong nỗ lực chung nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Ảnh: KIM LIÊN
Ảnh: KIM LIÊN

Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng: Dấn thân cống hiến liên tục

 

Trước hết phải khẳng định mục tiêu xây dựng thành phố an bình có nội hàm rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh trật tự, trong đó an ninh trật tự là yếu tố quan trọng, then chốt.

Đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt được thành phố giao cho lực lượng công an làm nòng cốt. Về mặt chủ quan, toàn lực lượng Công an thành phố luôn tự ý thức xem đây là vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm nặng nề phải phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Để thực hiện được mục tiêu đó, toàn lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các mặt công tác; đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tạo thế chủ động trong phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, không để xảy ra tình huống bất ngờ, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn và ngay từ cơ sở; phòng ngừa và trấn áp hiệu quả các loại tội phạm nhất là trộm cắp, cướp, cướp giật, tội phạm ma túy, các băng nhóm tội phạm…

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, giao thông, góp phần giữ vững kỷ cương xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của nhân dân, tạo môi trường sống, làm việc ngày càng lý tưởng cho người dân.

Để tạo dựng được môi trường “là nơi đáng sống với người lương thiện, đáng sợ với tội phạm”, đòi hỏi lực lượng công an phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, dấn thân cống hiến liên tục. Chúng ta có niềm tin với sự vào cuộc quyết liệt đó, Đà Nẵng sẽ là “Thành phố an bình”, là thành phố lý tưởng để sống, làm việc, là điểm đến hấp dẫn, an toàn của bạn bè và du khách.

PGS, TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị khu vực III: Làm tốt chính sách an dân

 

Tôi cho rằng, việc Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành một thành phố an bình đáng sống là rất chính đáng và phù hợp với nguyện vọng của mọi người - từ người dân của thành phố, đến du khách, nhất là trong bối cảnh cuộc sống của con người ở nhiều nơi (trong nước và trên thế giới) đang đối diện với không ít điều “bất ổn”. Tất nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này, tôi nghĩ Đà Nẵng cần làm rất nhiều việc. Trong đó, ít nhất cần thực hiện đồng bộ các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, cần làm tốt các chính sách an dân. Cụ thể là làm sao để đời sống nhân dân được bảo đảm và không ngừng cải thiện theo hướng nâng dần chất lượng sống.

Ở đây, cần có sự nỗ lực của hai phía. Nhân tố lãnh đạo, quản lý phải tạo môi trường, điều kiện cho người dân, nhất là tầng lớp thanh niên có được công ăn việc làm; đồng thời xã hội phải có quyết tâm, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm đủ sức để hội nhập, cạnh tranh.

Phải tạo lập được khát vọng làm giàu chính đáng trong mọi giới, mọi người. Khi dân giàu thì thành phố mới hưng thịnh và đó là tiền đề vật chất cần thiết cho sự bình yên.

Và, chính trên nền tảng cơ bản đó, việc tiếp theo của giới lãnh đạo, quản lý phải làm là tạo lập chính sách, cơ chế để phân phối thành quả đã đạt được sao cho hài hòa và cân bằng. Bởi “Phân bổ các giá trị” là thẩm quyền của lực lượng cầm quyền.

Nếu anh làm tốt thì tạo động lực cho sự phát triển, còn ngược lại - bất công trong phân bổ lợi ích sẽ tạo ra mâu thuẫn, mâu thuẫn tích tụ đến độ sẽ dẫn đến xung đột xã hội, gây ra sự bất ổn. Chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố cần phải làm sao cho “dân tín” - tức là người dân tin tưởng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Muốn cho dân tin thì người lãnh đạo phải trung thực, chứng thực trên thực tế mình là công bộc của nhân dân.

Thứ hai, khi giải pháp cho sự an dân như trên được thực hiện, thì công việc tiếp theo cần phải lưu ý là cần quản lý xã hội có hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Để làm được tốt vấn đề này thì có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và mỗi cấp, mỗi ngành cần làm tròn chức năng, nhiệm vụ đã được phân công của mình.

Đặc biệt, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng và năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước trong công tác quản lý đô thị… Cùng với đó, trong thời đại bùng nổ thông tin hay nôm na thời đại 3N - nhanh, nhiều, nhiễu về thông tin, cần có giải pháp thỏa đáng để quản lý mạng Internet và tác động của nó, đặc biệt đối với lớp trẻ.

Thứ ba, đương nhiên, ngoài hai việc trên, một giải pháp tưởng như có tính lý thuyết, nhưng mãi không thừa. Đó là tạo sự đồng thuận xã hội về mặt tư tưởng. Chức năng định hướng về tư tưởng xã hội là chức năng của bất cứ giới cầm quyền nào.

Bởi tư tưởng mỗi khi được đả thông, thì mọi việc, dù khó khăn vẫn có thể vượt qua nhờ sức mạnh của sự đoàn kết xã hội. Tạo lập một xã hội hài hòa về mặt tư tưởng thì các mâu thuẫn trong xã hội sẽ giảm, từ đó góp phần làm giảm sự xung đột, tạo sự đoàn kết, an bình trong xã hội.

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Giày BQ: Giải quyết căn bản việc làm cho người lao động

 

Thời gian qua, Đà Nẵng đã cơ bản ghi dấu ấn trong lòng người dân, du khách về hình ảnh một Đà Nẵng năng động, con người Đà Nẵng hiền hòa, thân thiện, mến khách. Đó được coi là một là cơ sở nền tảng để xây dựng Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

Trong thời gian tới, để xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố an bình, một thành phố văn minh thì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó theo tôi, cần làm tốt hơn nữa vấn đề an sinh. Cụ thể, cần phải giải quyết thật căn bản công ăn việc làm cho số đông người lao động.

Tôi đánh giá cao về tinh thần “Năm doanh nghiệp 2014” mà thành phố đề ra và đã làm tốt. Tuy nhiên, nên tiếp tục duy trì và đặc biệt phải chú trọng xây dựng hệ thống chính sách, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Bởi hiện nay, cộng đồng kinh tế tư nhân ở Đà Nẵng đang còn yếu, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập còn rất thấp, trong khi đây chính là nguồn lực lớn và bền vững đóng góp cho ngân sách thành phố. Cạnh đó, khi kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ thì sẽ giải quyết công việc cho lượng lớn lao động (kể cả lao động trình độ cao).

Việc phát triển này sẽ góp phần quan trọng để xây dựng nên thành phố an bình. Và thành phố an bình thì doanh nghiệp yên tâm phát triển, việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các chuyên gia có chất lượng tầm cỡ quốc tế tới làm ăn, sinh sống, rồi họ lại cống hiến nhiều hơn cho Đà Nẵng.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng nên có thêm một kênh truyền thông chính thống để quảng bá sâu rộng những thông tin, hình ảnh đẹp về mọi mặt của đô thị Đà Nẵng tới bạn bè thế giới, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của một thành phố trẻ năng động trong con mắt đông đảo mọi người.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tạo môi trường du lịch lành mạnh

 

Việc xây dựng thành phố an bình là trách nhiệm của toàn thể lãnh đạo các cấp, ngành cùng đông đảo nhân dân. Dưới góc độ quản lý hoạt động du lịch, một ngành đang được ưu tiên đầu tư, phát triển với nhiều cơ hội, thách thức, tôi nghĩ còn có quá nhiều việc phải làm.

Việc tạo dựng một môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện là điều hết sức có ý nghĩa thông qua việc phát huy những giá trị đã đạt được, cương quyết xử lý những tồn tại, phát sinh. Ngoài ra, cần tạo một môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, hài hòa, đảm bảo lợi ích bền vững, đồng thời không ngừng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch dồi dào, chuyên nghiệp, có “chất” để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh đó, theo tôi, cần gấp rút chuẩn bị, hoàn thiện các sản phẩm du lịch để đa dạng hóa, tăng thêm điểm đến trong lộ trình tham quan, khám phá của du khách, đây cũng là nền tảng quan trọng để tập trung cho các sự kiện lớn.

TS Huỳnh Huy Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng: Xây dựng giá trị người dân

 

Trong mục tiêu xây dựng một thành phố an bình, rất cần có sự chung tay của chính quyền lẫn người dân. Trước hết, đó là vai trò của người dân trong việc chung tay xây dựng, bảo vệ thành phố. Có thể đánh giá một cách khách quan, ý thức của người dân Đà Nẵng trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của thành phố cũng như hành xử văn hóa, văn minh trong cuộc sống là rất tốt.

Giá trị này vô cùng quý báu, nó không phải được tạo ra trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình phấn đấu, là sự kết hợp tuyên truyền, giáo dục với yếu tố truyền thống, lịch sử làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi.

Vì vậy, phải làm thế nào để tiếp tục phát huy, nâng cao ý thức và vai trò của nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố là điều hết sức quan trọng. Nó tạo sự đồng thuận, đoàn kết một lòng, sự chung tay hợp tác giữa chính quyền và người dân.

Đà Nẵng là miền đất cống hiến, lập nghiệp của rất nhiều người, tổ chức từ các địa phương khác đến. Song song với việc sử dụng, phát huy những tiềm năng của họ, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập, giáo dục những chủ trương, chính sách của thành phố, những nét đẹp văn hóa và cuộc sống an bình từng tạo nên một thương hiệu Đà Nẵng nhằm cùng nhau dựng xây, vun đắp cho những truyền thống tốt đẹp đó.

Với cuộc sống đa dạng, phong phú và phức tạp cùng với quá trình điều hành, phát triển tất yếu xảy ra nhiều vấn đề nếu thành phố không quản lý chặt, không tốt thì sẽ tiềm ẩn những tác hại nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường sống, thu hút đầu tư, kinh doanh.

Quản lý chặt ở đây không có nghĩa là che giấu thông tin mà chính là nắm bắt, ứng xử nhanh, kịp thời, chính xác, đúng mực  trước thông tin, dư luận. Một thành phố an bình khi tiếng lành đồn xa, lan tỏa không giới hạn về thời gian, địa lý. Với thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, việc xử lý, chuyển tải thông tin chính thống, đúng định hướng là điều hết sức cần thiết.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Resort: Nâng cao chỉ số cạnh tranh bình đẳng

 

Đà Nẵng cần ưu tiên hai yếu tố, đó là phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh xã hội. Về phát triển kinh tế, cần tạo môi trường đầu tư lành mạnh để nhà đầu tư và cư dân an tâm phát triển kinh tế, trong đó phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, hạn chế tình trạng thất nghiệp - nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn, gây bất ổn cho xã hội.

Đà Nẵng cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đầu tư; tạo ra một thị trường du lịch chung, đủ sức hấp dẫn để xây dựng một thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước nhưng chỉ số cạnh tranh bình đẳng vẫn còn là điểm yếu.

Vẫn còn trên 80% doanh nghiệp tại Đà Nẵng cho rằng các hợp đồng, đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền các cấp. Thành phố nên nghiêm túc đánh giá và xem xét vấn đề tồn tại này và đưa vào chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh xã hội, thành phố nên tăng cường đào tạo con người, giáo dục cộng đồng về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, kiên quyết xử lý các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật, trước hết là từ các cơ quan công quyền. Phải gương mẫu từ cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, nhân viên hải quan, thuế, đăng ký đất đai, đầu tư…

Kết hợp với việc phát huy các công trình hạ tầng mà thành phố đã đầu tư như hệ thống camera giám sát công cộng để ngăn ngừa và xử lý các vi phạm để người dân, nhà đầu tư an tâm làm ăn, sinh sống, để hấp dẫn du khách đến thăm một thành phố an bình, thân thiện, hưởng thụ giá trị môi trường sống nơi đây.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng: Ứng xử nhanh nhạy, kịp thời

 

Với việc định hướng xây dựng thành phố an bình thì du lịch là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các điểm dịch vụ, sản phẩm du lịch khác nhau, một thành phố an bình sẽ tạo cho du khách tâm lý yên tâm, thoải mái khi đặt chân đến đây.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tôi nghĩ chính quyền thành phố, người dân, các doanh nghiệp còn có quá nhiều việc phải làm, thậm chí phải thực hiện liên tục trong một thời gian dài.

Trước hết, dưới góc độ quản lý Nhà nước, theo tôi, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời có những chế tài kịp thời, quyết liệt để xử lý những tình huống xảy ra. Sự phát triển tất yếu sẽ kéo theo những phát sinh, hạn chế, hệ lụy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thái độ ứng xử kịp thời thì sẽ tạo được hiệu ứng tốt.

Sự chuyên nghiệp của cơ quan quản lý được thể hiện ở khả năng xử lý tình huống, phản ứng nhanh trước một sự việc xảy ra. Nó thể hiện sự chuyên nghiệp, cầu thị. Ngoài ra, vai trò quản lý cấp cơ sở hết sức quan trọng, giúp nắm bắt được bản chất vấn đề ngay từ khi mới manh nha, từ đó có những kiến nghị, đề xuất xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động kinh doanh du lịch cũng là điều hết sức cần thiết. Đây là việc làm hết sức quan trọng vì lợi ích nó đem lại mang tính bền vững cao, thể hiện ở thì tương lai. Phải làm thế nào để những người cung cấp dịch vụ hiểu được gốc của vấn đề, hoạt động du lịch nó gắn liền với lợi ích của chính mình. Mọi hành động mang tính lợi ích nhóm, gian lận, chụp giật là đang làm hại chính bản thân mình.

ĐẮC MẠNH – PHAN CHUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.