.

Nhớ một chuyến đi...

.

Lên công tác Trà My từ ngày còn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thì nhiều, nhưng với Nam Trà My sau khi chia tách huyện thì đây là lần đầu tôi đến, sau khi đã nghỉ hưu.

Đường Trường Sơn đoạn qua đèo Lò Xo. Ảnh: H.Đ
Đường Trường Sơn đoạn qua đèo Lò Xo. Ảnh: H.Đ

Một chuyến đi không “chính thống”, không có công vụ gì, không theo lời mời cụ thể nào. Nói chính xác là có mời, nhưng không ấn định thời gian cụ thể. “Các anh rảnh lúc nào thì cứ lên chơi, báo trước vài ngày để bọn tôi thu xếp. Chơi thôi, thăm lại chiến trường xưa, viết được cái chi thì viết, đừng ngại”. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Kích thân tình nói như vậy, trong một lần gặp nhau cà-phê ở Đà Nẵng. Thật là một lời mời rất dễ thương.

Đã vậy thì ngay cả phương tiện đi cũng thuộc hạng “du kích” luôn! Hôm ấy, bốn ông lão U70 - bốn văn nghệ sĩ già ham vui, với 3 chiếc xe máy, hăng hái làm một chuyến hành hương, du xuân muộn ngược rừng về với Nam Trà My. Không phải là không mượn được ô-tô, nhưng phải nói rằng trải nghiệm bằng xe máy trên một chặng đường hơn trăm cây số với cái tuổi đã cao nhưng vẫn còn “nhúc nhắc” được, thì thật thú vị. Thích đâu dừng đó. Ngắm nhìn cảnh quan bên đường thỏa thích. Không bị ràng buộc bởi cái trần ô-tô chật hẹp. Hơn 4 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường. Cái thị trấn Tắc Pỏ nhỏ bé thân yêu nhưng xa vợi ngày nào, giờ đã hiện ra ngay trước mặt.

Có một cảm giác vui vui lạ lạ khi lên thị trấn Nam Trà My: gần như trụ sở cơ quan nào cũng đóng trên đồi. Đường dẫn lên các cơ quan, kể cả vào ủy ban huyện, cũng cứ dốc ngược. Mở trang mạng giới thiệu về Nam Trà My có đoạn thế này: Địa hình phức tạp, hầu hết đồi núi đất dốc, nhiều thung lũng chằng chịt bị chia cắt bởi nhiều sông suối... Ngày chưa chia tách, nói về vùng này, anh Hồ Văn Reo, Bí thư Trà My lúc ấy thường nêu những khó khăn thiếu thốn của 6 xã vùng cao, là đây.

Quả không sai. Đường đất quanh co, nhấp nhô. Hình như còn khoảnh đất bằng phẳng nào thì để dành cho “thương mại - dịch vụ” chăng? Những cửa hàng ăn uống, các tiệm cà-phê, cửa hiệu tạp hóa co cụm lại ở những khu đất bằng. Mà có lẽ như vậy cũng phải thôi, trong thời buổi kinh tế thị trường đã len lỏi đến khắp các ngang cùng ngõ hẻm.

Nhưng cái độ dốc của thực địa không bằng “độ dốc” trong nghĩ suy của những cán bộ tâm huyết nơi đây. Trong lúc đi cùng chúng tôi, anh Kích như có dịp hồi tưởng lại thời gian mới lên đây. Giọng anh trầm xuống: “Ngày mới lên đây, anh em cán bộ cứ ngước lên các nóc, buôn của bà con ở tít trên cao, cứ nghĩ không biết làm sao và bao giờ mới lên được đến đó để xem đồng bào mình sống thế nào, cán bộ có thể làm gì để giúp họ tiếp cận với sự phát triển chung để đời sống bớt nghèo bớt khổ. Tất nhiên bằng phương thức gùi cõng và đi 2, 3 ngày đường đèo dốc thì cũng lên được thôi. Nhưng cái chính là làm sao phải có đường ô-tô lên được tới trung tâm xã rồi tới trung tâm thôn, nóc để có thể mang số lượng nhiều gạo, muối, thuốc men, vải vóc, giấy vở và nhu yếu phẩm cho bà con...

Mỗi lần ngước lên như vậy là một lần trăn trở. Bây giờ thì cũng ngước lên, nhưng đã có thể vui sướng nhìn thấy lấp lóa tường vôi mới của một khu trường học vừa xây xong, hoặc khu cơ quan làm việc ủy ban xã; và thỉnh thoảng cũng có thể nhận ra con đường đất uốn lượn dẫn lên đó. Lê Ngọc Kích nói một câu có vẻ như văn hoa, nhưng ẩn chứa một niềm vui của người cán bộ Kinh gắn bó mấy chục năm với đất này: “Các anh ạ, bây giờ tất cả như gần lại, gần không gian, gần cả thời gian. Ngày xưa làm chi có được cảnh một thầy cô giáo cắm bản vài tháng một lần, thậm chí hằng tháng có thể tranh thủ ghé về quê dưới Trà Dương, dưới Tiên Phước, xa nữa là Núi Thành...

Bây giờ thì điều đó đã thành hiện thực. Trước đây may lắm cả năm được hai lần về thăm nhà là hè và Tết. Riêng đi đường đã mất hai ba ngày rồi”. Một thầy giáo trẻ ở Trường Vừ A Dính thôn 2, xã Trà Don nói với tôi hồi xưa từ đây đến Tắc Pỏ mất một buổi đường, bây giờ chỉ khoảng 20 phút chạy xe máy.

Tiếp tục nói chuyện ngước lên. Trong những trăn trở lớn của lãnh đạo huyện Nam Trà My ngày ấy có một điểm trường ở nóc Lăng Túc, còn gọi Ngọc Lê 2, núi Ngọc Tông, thuộc thôn 5 xã Trà Nam, là phân hiệu của Trường trung học cơ sở Trà Nam. Trường nằm chon von trên cao, bao bọc quanh trường ở phía xa là các dãy núi Lăng Túc 2, Lăng Túc 3. Trên cao ấy cũng có một khu nội trú sơ sài, phòng ở của giáo viên nằm đầu hồi, trống trải. Học trò nào nhà xa trên 7 cây số mới được ở lại. Gần hơn thì hằng ngày phải đi bộ leo dốc tới trường. Chao ôi, làm sao có thể hình dung các cháu nhỏ lớp 1, 2 ở cái tuổi lên 7 lên 8 mà phải lội hàng chục cây số mới đến trường, những ngày nắng như thiêu đốt, những ngày mưa dầm đất lở, rồi lũ cuốn...

Việc xây một trường học khang trang ở trên cao này là nhu cầu bức xúc, nhưng ngân sách huyện có hạn nên chưa thể đưa vào kế hoạch. Khó khăn lớn đầu tiên là muốn xây trường thì làm sao để đưa nguyên vật liệu lên? Phó Chủ tịch Lê Ngọc Kích lúc đó được giao nhiệm vụ suy nghĩ để trả lời câu hỏi đầu tiên này, chưa nói tới các chuyện “đầu tiên” khác. Cuối cùng thì nhất trí: cứ có chủ trương xây trường trước cái đã, lúc ấy sẽ nghĩ ra  chuyện làm đường. Thế là hạ quyết tâm và đề ra chủ trương.

Đến đây thì bỗng nảy ra một tình huống... ngoài dự kiến. Một tình huống vui. Không rõ bằng cách nào, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh biết được chủ trương này và những khó khăn của địa phương. Một quyết định gấp được đưa ra: Phải phối hợp giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng với huyện Trà My lên tận nơi để khảo sát tại chỗ! Ngày 13 tháng 2 năm 2012, tính ngày âm là 22 tháng Giêng âm lịch, nghĩa là ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán ít ngày, một giấy mời cuộc họp khảo sát đã được phát đi.

Địa điểm không phải tại Tam Kỳ, không phải tại Tắc Pỏ mà là tại trụ sở sư đoàn không quân đóng ở sân bay Đà Nẵng :“Kính mời các đồng chí có mặt vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 15-2-2012 tại cổng Sư đoàn không quân 372, số... để làm thủ tục bay”. Chà, hiếm có một cuộc triệu tập họp độc đáo như vậy. Anh Kích vẫn giữ cái giấy mời đặc biệt ấy như một kỷ niệm trong đời công tác của mình. Anh hồ hởi kể lại câu chuyện xây trường với tôi trong buổi trưa không ngủ của ngày thứ hai ở lại huyện.

Câu chuyện của anh giúp tôi hình dung ra khung cảnh của buổi sáng xuân hôm ấy, núi rừng Trà Nam vốn yên tĩnh đã bỗng bừng vui bởi tiếng động cơ của chiếc máy bay trực thăng hiếm hoi, có thể nói là duy nhất, chở Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và đoàn lãnh đạo của hai địa phương đáp xuống bãi đất trống bằng phẳng duy nhất ở điểm trường thôn 5, xã Trà Nam. Cái bãi đáp trực thăng này, bây giờ đã thành con đường rộng thoáng dẫn vào cổng trường học rất khang trang.

Vui chuyện, Kích kể tiếp: Vừa bước xuống máy bay, sau vài câu thăm hỏi chúc Tết, anh Nguyễn Bá Thanh vào đề luôn: Nhiều năm qua, ngày Tết hai địa phương ruột thịt vẫn đi thăm nhau và đều có ký kết các chương trình hỗ trợ cụ thể. Lần này lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lên đây để tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con và việc học tập của các cháu ngay tại vùng cao Nam Trà My, vốn là vùng căn cứ cách mạng trước đây, nay lại là vùng nghèo khổ nhất Quảng Nam.

Thành phố Đà Nẵng muốn đóng góp để xây một ngôi trường khang trang đủ chỗ cho các cháu học tập, nội trú và phòng ở cho giáo viên. Các đồng chí tính toán xem trước mắt cần đầu tư bao nhiêu. Anh Tòng, Phó Bí thư Huyện ủy và anh Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi và báo cáo với đoàn: Báo cáo các anh, chúng tôi đã tính sơ bộ, việc xây trường, xây khu nội trú và kể cả làm con đường cho các cháu lên khu trường mới chắc cũng phải khoảng 7 tỷ đồng mới đủ.

Nguyễn Bá Thanh cười vui vẻ : Chúng tôi cũng đã bàn trong lãnh đạo thành phố, tinh thần chung là đáp ứng tối đa yêu cầu của địa phương, tất cả vì việc học của các cháu. Các đồng chí lập dự toán cụ thể, hôm nay có đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng chí Phó văn phòng cùng đi, giải quyết dứt điểm luôn trong nay mai để kịp khởi công công trình. Mục tiêu đề ra là năm học mới này, các cháu phải có trường học khang trang. Lúc ấy, nhiều bà con và các cháu học sinh trong thôn thấy có đoàn đại biểu ở trên về, đã tụ tập để nghe chuyện.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam quay sang chúc Tết bà con và hỏi ý kiến bà con về xây trường mới. Một bà đứng tuổi nhanh nhẹn hay cười, ngập ngừng một lúc rồi nói: Nghe cho cái trường mừng quá, không biết nói chi hết; hồi nhỏ tới chừ chưa thấy. Hỏi người thứ hai, nói: Không biết nói chi, chỉ mừng trong bụng thôi, không nói được. Tất cả cùng cười vui vẻ. Cuộc làm việc chớp nhoáng tại chỗ nhưng rất hiệu quả đã hiện thực hóa một chủ trương lúc đầu tưởng chừng như nhiều năm nữa mới làm được.

Lần này, khi chúng tôi đến, công trường xây dựng trường mới đang được khẩn trương tiến hành. Người ta bạt hẳn một quả đồi để làm trường. Sắt, thép, xi-măng, gạch, ngói chở từ dưới xuôi lên. Gỗ do bên lâm nghiệp khai thác tại chỗ chuyển đến. Cát lấy từ thôn Nước Xa về. Đá thì lấy từ thủy điện Sông Tranh. Công ty Xây dựng Châu Thuận Phát được giao thi công công trình này, do một kỹ sư trẻ trực tiếp phụ trách. Những thanh niên địa phương được thuê làm phụ hồ, phần nhân lực nói chung thuận lợi. Ai cũng hồ hởi mong chóng hoàn thành công trình có chất lượng để phục vụ cho chính con em địa phương mình ngay trong năm học 2013-2014.

...Ba ngày ở Nam Trà My, các anh lãnh đạo địa phương còn giúp chúng tôi đi nhiều nơi, kể cho nghe rất nhiều câu chuyện thú vị. Nhưng chỉ riêng câu chuyện xây trường nơi chon von vẫn cứ ám ảnh chúng tôi về tác phong lãnh đạo sâu sát, gần dân, giải quyết dứt điểm và có hiệu quả những điều người dân cần trong bất cứ tình huống khó khăn nào. Ngay sau chuyến đi, về đến Đà Nẵng là nhà văn Thanh Quế đã có sản phẩm ngay; đăng 2 kỳ trên báo Quảng Nam, sau đó đăng Văn nghệ Trung ương.

Và Nguyễn Bá Thâm, Phạm Đông, những cây bút đã từng có nhiều tập truyện ký hay, từng trăn trở với Trà My, với Ngọc Linh, từng đau đáu về một thời đạn lửa của quê hương, chắc không bỏ qua những chi tiết, những sự kiện, những con người của chuyến đi này, như một cái vốn để tiếp tục sáng tác, cả thơ và văn xuôi…

Tháng 12 năm 2014

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.