.
Hồn Việt

Điều giản dị của vị tướng già

.

Nhà của Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Cục trưởng Cục 11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) là căn nhà cấp 4 theo lối kiến trúc truyền thống nhà Việt với mái ngói đã phủ màu thời gian, tĩnh mịch. Khó ai đoán định được đây là ngôi nhà của một vị tướng tình báo huyền thoại...

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và thế hệ sĩ quan trẻ tình báo quốc phòng, Cục 11-Tổng cục II hôm nay.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung và thế hệ sĩ quan trẻ tình báo quốc phòng, Cục 11-Tổng cục II hôm nay.

Giữa phòng khách của căn nhà kê một giường nằm (kiểu giường mà các bệnh viện vẫn dùng cho bệnh nhân nằm). Ông già ngoài 80 tuổi nằm đó, tỉnh táo chào khách, niềm nở. Có điều, ông chỉ nằm, không ngồi được bởi “phải tuân theo quy luật của đất trời thôi, không ai cưỡng lại được tuổi tác và thời gian”, như ông nói. Tay đã run, nhưng giọng nói và thần trí vẫn sắc sảo, rõ ràng đến từng câu chữ. Giữ cho mình nét bình thản, giản dị đời thường, nhưng khi lắng nghe những hồi niệm của ông thì thấy “chất tướng” hiện hữu.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung, sinh năm 1928, tại thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng tại địa phương từ năm 1945, năm 1946 đi bộ đội. Trải qua nhiều thăng trầm, những “bước ngoặt cuộc đời” (từ dùng trong hồi ký của Tướng Cung), ông chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân cuối cùng của đời mình để chiêm nghiệm, lắng nghe nhịp đập cuộc sống và nở nụ cười bình thản với tấm lòng độ lượng. “Trở về với danh phận người dân thường thấy thanh thản lạ. Cứ như anh Giáp ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV), thanh thản và có lòng vị tha gần như Phật, có vậy mới sống lâu, sống khỏe; chứ tham lam, ham hố rồi chẳng ai sống dai được, nó nặng nề lắm”, ông nói.

Những tưởng ông nghỉ hưu thì thanh thản, nhưng tâm sự của ông vẫn chất chứa những nỗi niềm đau đáu với đất nước, với thành phố Đà Nẵng mà ông bảo rằng, yêu lắm, tin tưởng lắm, như ông viết trong câu thơ đầy tâm huyết: “Ở đây có thấy mới thương”...

Đầu năm 1946, chàng thanh niên Trần Tiến Cung sau thời gian giác ngộ cách mạng, tham gia cướp chính quyền rồi gia nhập Tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến - Trung đoàn 69 Quảng Ngãi từ Ba Tơ về đóng quân tại Nghĩa Hòa, trở thành người chiến sĩ Vệ quốc đoàn từ đó. Trận đánh đầu tiên (Tú Thủy), ông nhớ mãi, không chỉ là vết thương gãy tay, bị Pháp bắt làm tù binh mà còn “được” gia đình, làng xóm lập bàn thờ liệt sĩ chống Pháp đầu tiên của xã Nghĩa Hòa vào năm 1948. Trong trại giam của giặc, ông cùng một chiến sĩ tên Canh âm thầm lập kế hoạch trốn trại, vượt ngục thành công và trở về trong niềm vui xen lẫn sự ngỡ ngàng của người thân, làng xóm. 7 ngày sau khi về, ông trở lại chiến đấu, trở thành đại đội trưởng trinh sát nổi tiếng.

Đoàn trưởng 578 Trần Tiến Cung (trái) cùng đồng đội tại Campuchia năm 1979. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đoàn trưởng 578 Trần Tiến Cung (trái) cùng đồng đội tại Campuchia năm 1979. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Suốt 9 năm chống Pháp, ông nhớ nhất ở trận chiến Đắc Pơ vào tháng 6-1954, trước thời điểm nổ ra trận Điện Biên Phủ lịch sử. Trung đoàn 96 do đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà - sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7) chỉ huy bằng vũ khí thô sơ đã đánh thắng một binh đoàn thiện chiến của Pháp với vũ khí trang bị hiện đại. Năm 1955, ông Trần Tiến Cung tập kết ra Bắc, trở thành Trưởng ban 2 (Quân báo) của Sư đoàn 324 đóng ở Nghệ An. Năm 1960, ông được điều về công tác tại Viện KSND tối cao, với chức vụ Phó trưởng Phòng Điều tra thẩm cứu chuyên thụ lý những vụ án lớn, án trọng điểm, rồi trở thành thư ký riêng cho Viện trưởng Hoàng Quốc Việt.

Giữa năm 1965, tình hình chiến trường miền Nam diễn ra căng thẳng, ông được điều trở lại miền Nam, làm Cụm trưởng Cụm tình báo H32, cơ quan chỉ huy đóng tại Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nét giản dị của vị tướng già hiện rõ trên khuôn mặt đầy hoài niệm khi kể về quãng thời gian nằm hầm chiến đấu ở Gò Nổi, cách Đà Nẵng 30km. Bên ta muốn dùng Gò Nổi làm bàn đạp tấn công cơ quan đầu não khu vực miền Trung, đối phương muốn biến nơi đây thành “mảnh đất trắng” để bảo vệ Đà Nẵng. Bởi thế, mảnh đất này từng được sánh ngang với địa đạo Củ Chi khốc liệt (Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi). “Giữa mảnh đất đầy khốc liệt này, để đối phó và chống lại giặc, chỉ có bám vào dân mới ổn, mới thành công. Đó cũng là nguyên tắc dân vận từ xưa cho đến mai sau, chưa bao giờ lỗi thời”, ông kể.

Sau khi thâm nhập địa bàn, Trần Tiến Cung đã kết nối được với đông đảo quần chúng nhân dân, vận động họ tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Tiêu biểu nhất phải kể đến ông Phan Kỳ, vốn là chủ 2 tiệm vàng gần chợ Hàn và nhiều bất động sản lớn ở Đà Nẵng. “Tôi biết tham gia cách mạng là gươm kề cổ súng kề tai, nhưng được các anh tin tưởng thì dù hy sinh tôi cũng quyết không từ nan”. Đó là tâm sự của ông Kỳ sau khi được ông Cung trực tiếp cảm hóa. Năm 1972, ông Kỳ bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Trước sự tra tấn dã man, ông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Không chỉ được dân bao bọc, chở che, cụm H32 cũng đã “gây dựng cơ sở” ngay trong lòng địch để thu thập thông tin quý giá từ Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng như Quân đoàn 1 ngụy thông qua Trung tá Nguyễn Văn Long - trợ lý của Hoàng Xuân Lãm (sau này là Đại tá thanh tra Vùng 3 chiến thuật). Bên cạnh đó còn đặt được bộ máy điện đài ngay trung tâm Đà Nẵng để thông tin tình báo có thể chuyển trực tiếp ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn dễ dàng.

Năm 1967, ông bị xuất huyết dạ dày, phải ra Hà Nội chữa trị, cũng là lúc bà Nguyễn Thị Thủy Tiên - vợ ông - bị bệnh ung thư qua đời, để lại con thơ và nỗi nhớ nhung vô hạn. Hai năm sau, ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Phán - sau này là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (cũ).

Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, năm 1977, ông được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gọi đến trao nhiệm vụ mới, chuẩn bị “tiền trạm” cho cuộc chiến chống lại chế độ Pol Pot. Sau khi giúp nước bạn giải phóng thành công, ông trở về, năm 1984 trở lại làm Đoàn trưởng Đoàn 11 (Cục 11). Đến năm 1995, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 cho đến năm 1998 thì có quyết định nghỉ hưu.

“J’étais la source de Goloa” (tạm dịch: nguồn gốc của tôi là người Gô loa), câu “học vẹt” từ thời niên thiếu ở trường Tây ông vẫn còn nhớ, với cái cốc đầu của anh trai rằng: “Em có hiểu câu đó nói gì không?”, Thiếu tướng Trần Tiến Cung hồi tưởng, bảo biết, do thầy dạy và học thuộc lòng thế. Rồi nghe anh lý giải mới vỡ lẽ và... xấu hổ. Cũng từ đó, lý tưởng cách mạng dần thấm nhuần đến ăn sâu vào gan thịt ông, để qua cuộc đời 60 năm chiến đấu, công tác trong quân đội, trở thành một vị tướng tình báo huyền thoại, trở về đời thường lại là con người hết sức giản dị, khiêm nhường. Sau khi về hưu, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, đến 2005 mới nghỉ hẳn.

Ngước nhìn bàn thờ vợ, ông tâm sự: “Bà ơi! Cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân, tôi tin tâm hồn tôi và bà sẽ thanh thản nơi cõi vĩnh hằng”. Đó có lẽ cũng là câu tổng kết cuộc đời trọn vẹn nhất của tướng Cung.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.